Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao và quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ với tỉ lệ 100% thành viên có mặt tán thành.
Theo đó, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1000 đồng/1 lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít; Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 300 đồng/1 lít; Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/1lít là mức giá sàn trong khung thuế suất.
Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN. Đồng thời Chính phủ cũng sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu, trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét.
Ngoài việc cắt giảm thuế cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao mà vẫn còn khó khăn, như ngư dân đánh bắt bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.
Như vậy, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ có lần giảm thứ hai. Ở lần giảm 50% từ 1/4, theo tính toán của Chính phủ, giúp giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cũng làm giảm thu ngân sách cả năm trên 32.500 tỷ đồng.