Kết quả kinh doanh CTCK tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc HNX, tính đến hết tháng 9, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) thành viên trên HNX còn lại 80 CTCK. Trong đó, 1 CTCK đang bị đình chỉ hoạt động và 79 CTCK đang hoạt động bình thường với tổng tài sản 74.734 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 41.621 tỷ đồng. Tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư là 1,48 triệu, trong đó số tài khoản có giao dịch là gần 96.500.

Tổng doanh thu năm 2010 của 102 CTCK đạt 15.886 tỷ đồng. Từ năm 2011-2014 tổng doanh thu của các CTCK đều đạt thấp hơn so với năm 2010, trong đó thấp nhất là năm 2013 với 7.284 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2010 đạt 1.811 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 2.168 tỷ đồng (do chi phí hoạt động kinh doanh tăng mạnh vì trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán).

Từ năm 2012, các CTCK thực hiện tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động, tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro. Nhờ đó, kết quả kinh doanh đã được cải thiện, lợi nhuận sau thuế của các CTCK tăng dần qua các năm với mức tăng lần lượt là 74% và 59% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 1.205 tỷ đồng, năm 2013 đạt 2.098 tỷ đồng và năm 2014 là 3.330 tỷ đồng.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của các CTCK được cải thiện, hệ số ROA và ROE tăng đáng kể. Năm 2015, hệ số ROA bình quân của các CTCK đạt 5,15% (tăng hơn 2 lần so với năm 2010); hệ số ROE bình quân đạt 8,58% (tăng 84% so với năm 2010).

Tuy nhiên, các CTCK hiện còn hoạt động có sự phát triển không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng hoạt động, vì vậy, cũng ảnh hưởng phần nào tới sự đóng góp cho thị trường. Năm 2010, tỷ lệ số công ty có lãi chiếm 73,5% tổng số công ty. Năm 2011, do tình hình thị trường khó khăn, số công ty hoạt động có lãi giảm xuống 40,1%, sau đó, tăng dần qua các năm 59,1% (năm 2012), 67,8% (năm 2013) và 79,5% (năm 2014).

Đánh giá cao hoạt động của các CTCK trong 2 năm trở lại đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho rằng ý thức của các CTCK trong tuân thủ quy định đã tốt hơn khi không có CTCK nào mất khả năng thanh toán. Cũng theo ông Sơn, những trường hợp CTCK chậm công bố thông tin có thể "du di được" nhưng nếu CTCK không tách bạch tài khoản của công ty với khách hàng thì "kiểu gì cũng bị xử lý".

Theo lãnh đạo UBCKNN, quan điểm của UBCKNN, việc tái cơ cấu CTCK thời gian tới sẽ tiếp tục được làm quyết liệt hơn, các trường hợp vi phạm, không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ bị xử lý nghiêm.

"Hiện đã có 4 cặp CTCK trình lên UBCKNN việc sáp nhập, hợp nhất, 1 CTCK đã hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là xu hướng tốt để các CTCK sẽ phải hoạt động lành mạnh hơn"- ông Sơn nói.

TTCK tiềm năng phát triển

Theo HNX, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) trong giai đoạn tiếp theo được dự báo có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên đây cũng sẽ là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với nhiều thách thức.

Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân tăng 6,5-7%/năm.

Bên cạnh đó, việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), triển khai các cam kết WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP và FTA với các đối tác thương mại lớn vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh; vừa là sức ép buộc doanh nghiệp phải tự phát triển để tồn tại và phát triển trong điều kiện mới.

Về thị trường tài chính, TTCK, nhiều cơ chế, chính sách mới, thông thoáng hơn cho hoạt động thị trường như: nới room nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động mua bán trong ngày, vận hành TTCK phái sinh… đã được ban hành. Ngoài ra, khi TTCK được tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế theo mục tiêu nâng hạng thị trường của UBCKNN, quy mô và phạm vi không gian thị trường được mở rộng, các nhà đầu tư trong nước được tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm đa dạng hơn, hệ thống trung gian thị trường phát triển... tạo ra những cơ hội lớn cho thị trường.

Cùng với sự hội nhập, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ gia tăng tính cạnh tranh giữa các CTCK, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước. Ngoài ra, tiềm năng để phát triển quy mô và hàng hóa cho thị trường còn rất lớn trong bối cảnh hơn 800 công ty đại chúng chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch tập trung, một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa trong thời gian ngắn sắp tới.

Một điểm được nhiều CTCK quan tâm là kế hoạch phát triển TTCK phái sinh thời gian tới. Theo đại diện UBCKNN, HNX, giai đoạn 2016-2020, TTCK phái sinh sẽ được tổ chức dựa trên tài khoản cơ sở là chỉ số chứng khoán, trái phiếu Chính phủ. Còn sau năm 2020, TTCK phái sinh sẽ phát triển thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.

Để chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh, HNX cũng như các CTCK thành viên đang nỗ lực chuẩn bị. Về phía HNX, đơn vị này đang tham gia góp ý thông tư hướng dẫn dự kiến ban hành vào tháng 11 và xây dựng quy chế hướng dẫn hoạt động chứng khoán phái sinh tại HNX dự kiến vào quý I-2016; chuẩn bị hệ thống giao dịch sẵn sàng đưa vào hoạt động vào quý IV-2016...

* Cũng trong ngày 11-10, HNX đã tiến hành vinh danh 3 CTCK môi giới tốt nhất (gồm SSI, HSC, VNDirect), 3 CTCK đạt danh hiệu dịch vụ tư vấn tốt nhất (VCSC, BVSC, SSI). Đặc biệt, HNX cũng đã tôn vinh 12 CTCK thành viên tiêu biểu trong giai đoạn 2005-2015 bao gồm: ACBS, BVSC, VietinBankSC, BSC, FPTS, MBS, VCBS, VPBS, SSI, SHS, HSC, VNDirect.

Theo Ngọc Quang
Sài gòn đầu tư tài chính

Nguồn: Sài gòn đầu tư tài chính