Cấm NĐT ngoại là không hợp lý

“Dự thảo Thông tư quy định: NĐT nước ngoài không được thực hiện giao dịch ký quỹ..., đồng nghĩa họ cũng không được giao dịch trong ngày. Nếu áp dụng theo phương án này thì vô hình trung làm giảm thanh khoản của thị trường, vì mức độ tham gia của NĐT nước ngoài rất lớn”, đại diện CTCK Sài Gòn (SSI) góp ý tại Hội thảo hướng dẫn về giao dịch chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa tổ chức.

Theo góc nhìn của SSI, việc Ban soạn thảo dẫn chiếu Luật Các tổ chức tín dụng, với quy định không cho phép các ngân hàng cho NĐT nước ngoài vay vốn để giao dịch chứng khoán, từ đó đưa ra quy định không cho phép họ được giao dịch ký quỹ và giao dịch trong ngày là không hợp lý. Lý do là bởi tính chất vay vốn tín dụng và vay để giao dịch chứng khoán tương đối khác nhau.

Cho vay vốn tín dụng, các ngân hàng phải thẩm định phương án vay, tài sản thế chấp…, nên Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng cho NĐT ngoại vay vốn, vì đối tượng NĐT này không cư trú tại Việt Nam, dẫn đến khó thẩm định phương án vay vốn. Trong khi đó, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ đơn giản hơn nhiều, ít có nguy cơ khó thu hồi nợ với bên cho vay, vì tài sản thế chấp chính là cổ phiếu, nên bên cho vay là các CTCK có thể bán tài sản này để thu hồi nợ theo thỏa thuận giữa NĐT và CTCK.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt cho rằng, không cho phép NĐT nước ngoài thực hiện giao dịch ký quỹ và giao dịch trong ngày là không công bằng, không hợp lý, UBCK cần có hướng sửa đổi thích hợp.

Phản hồi về những kiến nghị trên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng không được cấp tín dụng cho các đối tượng không cư trú tại Việt Nam. Từ quy định này cộng với qua trao đổi với Ngân hàng Nhà nước, hiện chưa thể cho phép NĐT nước ngoài tham gia giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày.

“Tuy nhiên, từ kiến nghị của các thành viên thị trường, UBCK sẽ nỗ lực tìm cách xử lý vấn đề trên theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, cũng như đặc thù cho vay giao dịch chứng khoán”, ông Sơn nói. 

Cần làm rõ khái niệm “chứng khoán chờ về”

Đó là đề xuất của SSI với UBCK liên quan đến điểm đột phá thứ nhất là cho phép NĐT được bán chứng khoán trên đường về tài khoản. “Chứng khoán chờ về” chỉ là chứng khoán từ các giao dịch mua trước đó, hay còn phát sinh từ các giao dịch khác, chẳng hạn nhận cổ tức?

Với chứng khoán mà NĐT đã đặt lệnh mua, về lý thuyết là đang chờ về tài khoản, nhưng nếu giao dịch này bị hủy một phần hoặc toàn bộ, bị ngừng thanh toán… thì ứng xử thế nào? Cho phép bán chứng khoán chờ về, nhưng vấn đề đặt ra là cách nào để ngân hàng lưu ký, CTCK xác nhận số dư của loại chứng khoán này là bao nhiêu?

“Do không được giao dịch ký quỹ và giao dịch trong ngày, nên NĐT nước ngoài rất quan tâm đến cơ chế bán chứng khoán chờ về khi Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC sắp được ban hành”, bà Bùi Thu Thủy, Giám đốc phát triển kinh doanh, Bộ phận dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC nói, đồng thời chia sẻ góc nhìn tương đồng với SSI là việc xác nhận số dư chứng khoán chờ về nếu không được quy định rõ ràng, sẽ khó khả thi.

Sau khi mua chứng khoán, hoàn toàn có khả năng lệnh mua bị hủy toàn bộ hoặc một phần, nên sẽ rất rủi ro cho bên xác nhận số dư loại chứng khoán này để làm cơ sở cho NĐT thực hiện giao dịch.

Tiếp thu đề xuất trên, ông Sơn cho biết, sẽ làm rõ khái niệm “chứng khoán chờ về” bao gồm chứng khoán NĐT đã mua trước đó, cổ tức bằng cổ phiếu…, đồng thời làm rõ cách thức xác nhận số dư chứng khoán chờ về. 

Để giao dịch trong ngày khả thi

Một số nội dung tại dự thảo quy định về giao dịch trong ngày, theo ý kiến của các thành viên thị trường là chưa hợp lý. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC), khoản 1 Điều 11 dự thảo quy định về điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày của các CTCK đặt ra yêu cầu: “không có lỗ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất và báo cáo tài chính soát xét bán niên gần nhất”.

Điều kiện này nhằm sàng lọc các CTCK có khả năng tài chính tốt để tăng khả năng quản lý rủi ro khi cung ứng dịch vụ giao dịch trong ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, điều kiện này không phản ánh đúng tình hình tài chính của một CTCK, bởi có nhiều CTCK tuy bị lỗ trên báo cáo tài chính, nhưng là lỗ âm vào vốn thặng dư và/hoặc lợi nhuận chưa chia, nên CTCK đó vẫn có khả năng tài chính tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Nếu quy định như dự thảo sẽ loại trừ một lượng không nhỏ CTCK có đủ khả năng tài chính để thực hiện giao dịch trong ngày, làm hạn chế việc cạnh tranh lành mạnh giữa các CTCK. Vì vậy, BVSC đề nghị sửa lại quy định trên theo hướng không có lỗ âm vào vốn điều lệ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, kèm theo đó là các ràng buộc về hệ số vốn khả dụng.

Cũng theo BVSC, khoản 6 Điều 11 của dự thảo khi đề cập về các nguyên tắc của hoạt động giao dịch trong ngày quy định: “CTCK có trách nhiệm cung cấp cho Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thông tin về khách hàng và tài khoản giao dịch của khách hàng đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với CTCK tối thiểu 1 ngày, trước khi cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch trong ngày cho khách hàng”, quy định này sẽ làm chậm quá trình sử dụng dịch vụ giao dịch trong ngày của NĐT.

Do đó, để đảm bảo tính nhanh chóng, thuận tiện cho NĐT, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về thời gian tối thiểu 1 ngày, việc cung cấp thông tin sẽ là trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch trong ngày cho khách hàng.

Một nội dung chưa hợp lý khác là: NĐT không được thực hiện các giao dịch trong ngày trong phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa, giá đóng cửa (ATO/ATC)...

Với quy định này thì các giao dịch trong ngày sẽ bị giới hạn thực hiện trong phiên khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, có thể có tình huống xảy ra là lệnh mua, bán trong ngày của NĐT trong phiên khớp lệnh liên tục được khớp lệnh chưa cân bằng trạng thái với nhau, khi đó họ muốn đặt lệnh bán hoặc mua trong phiên khớp lệnh cuối ngày để cân bằng trạng thái của lệnh mua hoặc bán đã khớp trước đó, nhưng theo quy định này sẽ không được phép.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng: NĐT không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa, giá đóng cửa.

Theo ông Sơn, các kiến nghị hợp lý sẽ được UBCK nghiên cứu, tiếp thu trước khi Thông tư cũng như quy chế về giao dịch trong ngày được ban hành.         

“Đảm bảo quản lý rủi ro toàn thị trường”

Ông Nguyễn Thành Long,Phó chủ tịchỦy ban Chứng khoán Nhà nước
Một số kiến nghị, đề xuất của CTCK chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro ở cấp CTCK, chứ chưa đạt cấp toàn thị trường khi triển khai giao dịch trong ngày. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu, tiếp thu tối đa các kiến nghị hợp lý của các thành viên thị trường, UBCK sẽ bảo lưu các nội dung, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu an toàn hệ thống ở cấp độ toàn thị trường, với hoạt động an toàn, lành mạnh của các CTCK.

Trên thế giới, trong vài năm gần đây mới triển khai giao dịch trong ngày. UBCK rất mừng khi các thành viên thị trường nhận diện giao dịch trong ngày là cơ chế phức tạp, nên đòi hỏi các bên tham gia, đặc biệt là các CTCK phải đầu tư thích đáng về hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro.

“Quan trọng là đảm bảo an toàn thanh toán”


Ông Trịnh Hoài Giang,Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM
Bên cạnh nhiều mặt tích cực, cơ chế giao dịch trong ngày tiềm ẩn không ít rủi ro cho thị trường. Để giảm thiểu tình trạng này, một trong những yếu tố quan trọng là cơ chế thanh toán phải minh bạch và chặt chẽ. Tuy nhiên, một số nội dung tại dự thảo Thông tư chưa đáp ứng được các đòi hỏi này.

 

Hiện có 2 vấn đề đáng quan ngại liên quan đến quản lý tiền giao dịch chứng khoán của NĐT, đó là rủi ro CTCK hoặc nhân viên môi giới lạm dụng tiền của NĐT, dẫn đến nguy cơ về lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều này một phần do hiện chưa có hệ thống thanh toán riêng cho hoạt động giao dịch chứng khoán. Hệ quả là CTCK có thể chuyển tiền của NĐT cho bên thứ 3, gây nên nhiều rủi ro. Do đó, để tránh các rủi ro, lừa đảo trong triển khai giao dịch trong ngày, cần khắc phục tình trạng này, đồng thời quy định toàn bộ việc thanh toán tiền giao dịch chứng khoán của NĐT phải thực hiện qua ngân hàng.

Theo Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán

Nguồn: Đầu tư Chứng khoán