Theo bản phân tích các chính sách tài chính - tiền tệ tháng 8 của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCEIF), hoạt động M&A diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, song xét về giá trị các giao dịch này còn khá nhỏ. 

Theo các chuyên gia, có 3 đặc điểm khiến cho giao dịch của các thương vụ M&A Việt Nam còn nhỏ hơn các nước trong khu vực.
 
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và vừa, chiếm đến 97%. Quy mô của những doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện cũng nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
 
Thứ hai, quá trình tái cấu trúc cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chỉ tập trung cổ phần hóa, tái cơ cấu và bán cổ phần của những công ty con trước. Vì thế, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam còn nhỏ hơn so với các nước trong khu vực.
 
Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua còn khá dè dặt, vì họ phải tìm hiểu lộ trình và khả năng thành công trước khi quyết định đầu tư.
 
Tuy nhiên, NCEIF cho rằng, sau khi việc mở room lên 49% đi vào thực tiễn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ. Vì thế, M&A của thị trường Việt Nam sẽ còn sôi động.

Liên quan tới câu chuyện nới room, NCEIF đánh giá đây là thông điệp vô cùng quan trọng với giới tài chính quốc tế về sự cởi mở trong chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lên điểm trong mắt giới đầu tư quốc tế.
 
Ngoài ra, việc tăng độ mở của thị trường thông qua việc mở room là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường. Trong mục tiêu xa hơn, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, cổ phiếu Việt Nam sẽ được các tổ chức đầu tư quốc tế đưa vào danh mục đầu tư khi xây dựng chiến lược đầu tư của họ. Đây sẽ là một yếu tố then chốt hút dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam.

 

Khổng Chiêm/NCEIF