Giờ đây rất khó để thuyết phục lãnh đạo công ty quản lý quỹ nào đó bày tỏ những suy nghĩ thật về thị trường chứng khoán. Khi thị trường đi lên, người ta có thể dễ dàng nhận định về nó dưới nhiều góc độ mà không quá e ngại, nhưng khi thị trường đang suy thoái, có thể tiếng nói không lạc quan được chấp nhận.
Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital, người trả lời phỏng vấn TBKTSG dưới đây, cho biết ông không “chém gió”, mà muốn chia sẻ những nhận xét thực của mình. Ông nói:
- Bây giờ cả thị trường đã nhận ra vấn đề của Trung Quốc, và Trung Quốc trở thành tiêu điểm quan tâm của nhà đầu tư. Giới đầu tư hiểu rằng với quy mô lớn thứ hai thế giới, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá trị của rất nhiều loại tài sản sẽ thay đổi, trong đó có cổ phiếu. Từ đây nảy sinh kỳ vọng mới và kỳ vọng mới khiến nhà đầu tư nhìn nhận chỉ số P/E khác đi, nghĩa là thị giá cổ phiếu khác đi.
TBKTSG: Có phải ông đang đề cập đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài?
- Trong bối cảnh nêu trên dòng tiền nước ngoài đổ vào chứng khoán Việt Nam không thể không chịu tác động. Cá nhân tôi nhìn nhận thị trường có chiều không hẳn lạc quan. Chúng tôi vừa có cuộc họp đánh giá thị trường và thay vì nhận định thị trường sideway up (đi lên) như từ năm 2013 đến giữa năm nay, chúng tôi cho rằng thị trường chỉ còn sideway (đi ngang), trong một kênh dao động từ 500-600 điểm. Trong trường hợp xấu, đến quí 4-2015 thị trường có thể sideway down tức đi xuống. Nếu chứng khoán thế giới “ngụp” sâu vào thị trường giá xuống, thì thị trường Việt Nam cũng không thể cưỡng lại được.
TBKTSG: Nói đến Trung Quốc là nói đến đợt điều chỉnh của đồng nhân tệ vừa rồi và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam như một yếu tố bất khả kháng.
- Giả sử Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thêm 10% nữa, tiền đồng có thể cũng không đứng yên. Nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại tỷ giá. Từ đầu năm đến nay VN-Index có lúc âm, có tăng cũng không bao nhiêu, mà tỷ giá đã điều chỉnh 5%. Giá trị tài sản ròng của các quỹ ngoại căn cứ trên tỷ giá đã âm 5% rồi. Thị trường sẽ khó thu hút được vốn gián tiếp nước ngoài. Tác động tích cực của những yếu tố như nới room, TPP đang bị chiết khấu bớt đi.
TBKTSG: Chiến lược đầu tư của các tổ chức sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Quy mô, mục tiêu cũng như phương thức hoạt động của các quỹ khác nhau nên chiến lược rất đa dạng. Đối với chúng tôi, khi thị trường sideway up, hai phần ba danh mục được phân bổ vào những doanh nghiệp có lợi thế về định giá, tăng trưởng lợi nhuận với thời hạn từ 6-12 tháng. Còn lại một phần ba danh mục để giao dịch ngắn hạn.
Tuy nhiên, khi kịch bản thị trường sideway được thừa nhận, tỷ trọng đầu tư trung hạn 6-12 tháng giảm mạnh. Để bảo toàn vốn, tránh rủi ro, sẽ ưu tiên cho các giao dịch ngắn hạn. Vẫn có thời gian chúng tôi ở trong thị trường, nhưng chỉ giải ngân ở một số thời điểm VN-Index rớt sâu, và sẽ “nhảy” ra ngay khi thị trường hồi lại 5-10%. Một năm có thể chỉ giao dịch 3-6 tháng, tức là thời gian có cổ phiếu trong tài khoản rút ngắn lại. Những năm 2010-2012 chúng tôi giao dịch khoảng ba tháng mỗi năm. Các năm 2013-2014 tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản cao. Có cổ phiếu giữ hơn 12 tháng, có cổ phiếu giao dịch ngắn hạn, nhưng lúc nào cũng có cổ phiếu trong tài khoản.
TBKTSG: Kỳ vọng thấp đi, thời gian nắm giữ cổ phiếu ngắn lại và lựa chọn kỹ thời điểm mua. Đấy là chiến lược của các ông, đúng không?
- Kỳ vọng lợi nhuận cho các đợt giao dịch trước cuối quí 2 năm nay thường 30%/năm, nay tối đa chỉ 10%/năm. Giờ đây những yếu tố vĩ mô được chú ý hơn. Ba năm qua các yếu tố vĩ mô trong chiều hướng cải thiện: lãi suất đi xuống, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định. Nhà đầu tư không bận tâm nhiều về vĩ mô, họ bận tâm đi tìm cổ phiếu tốt. Nay họ phải theo dõi vĩ mô cộng thêm biến động của thị trường thế giới. Tâm lý thị trường thay đổi. Nếu lên cả thị trường lên, nếu xuống cả thị trường xuống.
Quan điểm nắm giữ cổ phiếu tốt sẽ không ngại sắp tới có thể sẽ không đúng nữa. Cổ phiếu tốt vẫn có thể bị bán ra thị trường. Có thể giảm giá ít hơn nhưng đi ngược dòng thì khó. Đơn giản tiếng nói của bộ phận phân tích doanh nghiệp trong một giao dịch mua/bán nào đó sẽ ít đi, nhường chỗ cho bộ phận phân tích vĩ mô chiến lược.
TBKTSG: Theo ông nhóm cổ phiếu nào sẽ đảm đương vai trò dẫn dắt thị trường?
- Ngân hàng có thể vẫn là nhóm dẫn dắt cả chiều lên và xuống của VN-Index. Chúng tôi bảo lưu quan điểm không lạc quan về nhóm cổ phiếu dầu khí. Năm ngoái các doanh nghiệp dầu khí nhìn chung có lợi nhuận cao. Nửa đầu năm nay lợi nhuận vẫn khá tốt do đà tăng trưởng từ năm ngoái, nhưng tới đây có thể sẽ không như vậy.
Ngoài ra, lúc này chất lượng cổ phiếu hay từng nhóm cổ phiếu không còn chiếm vị thế tuyệt đối nữa, mà là thanh khoản. Dòng tiền sẽ bỏ qua những lớp cổ phiếu ở dưới thuộc nhóm SmallCap, MidCap hoặc đầu cơ (đợt vừa qua thị trường phục hồi, nhưng sự phục hồi chỉ diễn ra ở 30% cổ phiếu lớn, đầu ngành, thanh khoản cao). Tâm lý nhà đầu tư thận trọng, dè dặt. Nếu giải ngân, họ chỉ mua những cổ phiếu đáng tin cậy nhất kể cả giao dịch cực kỳ ngắn hạn như T+2, T+3. Một trong những ưu tiên của họ khi tính toán mua là lúc cần có thể nhanh chóng chuyển cổ phiếu thành tiền được.
TBKTSG: Hiện nay đang có những giải pháp “mềm hóa” việc xử lý nợ xấu, đẩy nhanh tái cơ cấu. Liệu đây có được xem là thời điểm thuận lợi cho những ngân hàng có nền tảng vững tạo ra lợi nhuận?
- Theo chúng tôi, lợi nhuận của những ngân hàng tốp đầu trong nửa cuối năm nay sẽ tăng, thậm chí có thể tăng ấn tượng so với nửa đầu năm, do các hoạt động cốt lõi như tín dụng, ngân quỹ tăng trưởng khoảng 20%. Về trích lập dự phòng nợ xấu, một số ngân hàng như MBB, BIDV đang ở mức đỉnh, còn Vietcombank đã qua đỉnh rồi. Vietcombank đã đi trước các ngân hàng khác trong trích lập dự phòng từ 2-4 quí. Việc xử lý những tài sản thế chấp cho những khoản vay đã được trích lập dự phòng ở những ngân hàng trên bắt đầu nhúc nhích. Tóm lại có ba động lực để lợi nhuận ngân hàng tốp đầu đi lên. Những ngân hàng yếu thì sẽ vẫn yếu.
TBKTSG: Một sự quan sát liên tục cho thấy bất chấp thị trường giảm, nước ngoài vẫn đang mua ròng cổ phiếu ngân hàng.
- Một yếu tố kỹ thuật là tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của nhiều quỹ đầu tư còn thấp, bình quân chỉ tầm 12% trong khi hiện cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 25-27% tổng mức vốn hóa thị trường. Với những quỹ theo sát chỉ số Index, họ bắt buộc phải có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục.
Đang có một sự dịch chuyển cơ cấu danh mục của các tổ chức đầu tư. Do không hoặc chưa huy động được vốn mới, họ bán ra các cổ phiếu thuộc những lĩnh vực tăng trưởng chậm hoặc yếu hơn Index nói chung và mua vào cổ phiếu ngân hàng. Những quỹ ngoại lớn hiện nay đang quản lý từ 1-2 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu và việc điều chỉnh cơ cấu danh mục để bắt kịp với biến động của chỉ số có thể sẽ làm gia tăng sức cầu cổ phiếu ngân hàng trong 12 tháng tới. Họ sẽ tranh thủ những thời điểm thị trường “trũng” để giải ngân vào ngân hàng.
TBKTSG: Gần đây các tổ chức thường nói nhiều đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Điều này liệu có phản ánh vào giá cổ phiếu tổ chức tín dụng?
- Chất lượng các nhóm nợ của các ngân hàng vô cùng khác nhau (hiện nợ được phân thành năm nhóm). Tại các ngân hàng, nợ nhóm 1 là nhiều nhất. Ngân hàng nào có khoản lãi phải thu nhiều thì chẳng khác nào doanh nghiệp bán chịu sản phẩm. Ngân hàng mà bán chịu lãi suất, tức là nợ xấu. Chúng tôi thường đo thời gian thu hồi được bình quân của lãi để đánh giá toàn bộ khoản nợ. Vietcombank bình quân thu lãi nửa tháng/lần, MBB và ACB khoảng 1 tháng/lần, Sacombank từ 2,5-3 tháng/lần, một ngân hàng khác niêm yết trên sàn Hà Nội có thời gian thu hồi tới 7 tháng/lần. Thời gian càng dài thì việc thu hồi các khoản vay càng chậm (có thể chủ động cho chậm thu, cho hoãn lãi hoặc nợ xấu không thu được).
TBKTSG: Ông đánh giá ra sao các nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện, hàng tiêu dùng?
- Các cổ phiếu này trong thị trường giá xuống thường giảm ít hơn và trả cổ tức tiền mặt khá đều đặn, nhưng không có thặng dư. Nhóm điện có vấn đề nợ nước ngoài, mà toàn vay ngoại tệ, nên sẽ phải trích lập dự phòng không nhỏ cho tỷ giá tới đây.
TBKTSG: Còn cổ phiếu bất động sản?
- Đây là nhóm cổ phiếu đầu cơ trong bất kỳ hoàn cảnh nào của thị trường. Tính ổn định trong kết quả kinh doanh và minh bạch trong quản trị của các doanh nghiệp bất động sản còn yếu. Dù thế, nó là nhóm vẫn nên để mắt tới.
Theo Hải Lý
TBKTSG