Đó là đánh giá từ Bộ phân phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) sau khi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Mỹ) kết thúc thành công ngày 5/10.
Trong một báo cáo gửi khách hàng ngày 6/10, SSI Research cho biết Việt Nam được coi là nước được hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận TPP.
Các lợi ích từ hiệp định này, theo SSI Research, bao gồm việc tiếp cận thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, và quan trọng hơn, TPP sẽ chất xúc tác bên ngoài cần thiết để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế hiện tại để đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định tự do thương mại này.
Trước mắt, tự do thương mại sẽ làm tăng nhập khẩu của Việt Nam ngay lập tức và gây tổn thương cho các doanh nghiệp sản xuất yếu kém, trong trường hợp này có thể là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp như sữa, thịt bò, thịt lợn, đường, ngô…
Trong khi đó, xuất khẩu lại cần phải có thời gian để cải thiện để phù hợp với các yêu cầu mới. Chẳng hạn, việc áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong ngành dệt may trong điều kiện danh sách nguồn cung hạn chế khiến buộc phải sử dụng một số sản phẩm đầu vào không sẵn có nhiều ở các nước TPP.
Cũng cần lưu ý rằng Việt Nam (và các nước khác) không phải mở cửa thị trường hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Chẳng hạn, đối với thị trường nông sản, Việt Nam sẽ loại bỏ 31% số dòng thuế (xuống 0%) ngay sau khi TPP có hiệu lực, và 67% số dòng thuế tiếp theo trong thời gian 15 năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng nhỏ các dòng thuế (đối với các sản phẩm nhạy cảm) sẽ được áp dụng hệ thống hạn ngạch thuế quan.
Trong khi đó, mức độ mở cửa đối với nông sản của các thị trường khác rộng hơn nhiều so với Việt Nam, như Nhật Bản sẽ bỏ 32% số dòng thuế sau khi TPP có hiệu lực. Malaysia loại bỏ 92% dòng thuế, New Zealand bỏ 99% dòng thuế, Australia loại bỏ tất cả trừ 1 dòng thuế còn lại.
Ngay cả sau khi kết thúc đàm phán, SSI Research cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý, như việc hoàn thành đầy đủ các văn bản công bố cho công chúng, việc phê chuẩn của nghị viện hay quốc hội các nước, và việc các nước khác xin tham gia hiệp định này.
Các nước như Mỹ, Canada, Australia, Malaysia và New Zealand có thể sẽ gặp khó trong việc thông qua hiệp định này. Tại Mỹ, nghị viện nước này có thể xem xét thông qua TPP sớm nhất là từ năm 2016. Các cuộc bầu cử sắp tới ở một số nước khác có thể làm phức tạp thêm quá trình phê chuẩn TPP.
SSI Research nhận định có khả năng một số nước như Thái Lan, Philippin, Đài Loan và Hàn Quốc có thể sẽ bắt đầu đánh giá các yếu tố lợi hại của thỏa thuận này và xem xét tham gia.
Theo Trung Nghĩa
NDH