HDB bùng nổ ngay trong phiên giao dịch chào sàn cả về giá và thanh khoản. Cùng với HDB, một cổ phiếu ngân hàng khác là EIB cũng khởi sắc, nhưng sự điều chỉnh của các mã ngân hàng khác, cũng với áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẽ sau chuỗi tăng ấn tượng.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường chứng khoán đã có những bước khởi đầu năm mới khá thành công. Ngay sau khi chinh phục đỉnh cao 1.000 điểm, tâm lý nhà đầu tư càng hưng phấn hơn đã bơm mạnh dòng tiền vào thị trường, tiếp tục giúp sức kéo VN-Index liên tiếp tăng điểm và hướng tới những ngưỡng kháng cự cao hơn.

Tuy nhiên, món quà đầu năm mới không phải dành cho tất cả giới đầu tư bởi đà tăng mạnh của thị trường vẫn chủ yếu là do sự dẫn đường của các cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn mà chưa có tính lan tỏa rộng.

Chính vì vậy, bên cạnh một số dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên nhờ sự dẫn dắt của các mã trong rổ VN30, nhiều công ty chứng khoán đã bắt đầu thận trọng hơn khi đưa ra nhận định về rủi ro của thị trường khi đà tăng nóng đã được kéo dài liên tiếp trong 9 phiên vừa qua.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 5/1, thị trường vẫn duy trì sắc xanh, tuy nhiên đà tăng khá hẹp cùng giao dịch có phần hạn chế bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau chuỗi ngày tăng mạnh.

Áp lực bán bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu gia tăng mạnh hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục khiến đà tăng bị ngắt nhịp. Chỉ số VN-Index đảo chiều giảm điểm và nhanh chóng bị đẩy về sát mốc 1.010 điểm.

Ngay khi tiếp cận ngưỡng kháng cự trên, lực cầu hấp thụ đã được kích hoạt giúp đà giảm có phần thu hẹp. Tuy nhiên, lượng cung hàng vẫn tung ra mạnh khiến sắc đỏ chiếm áp đảo và thị trường chưa thoát khỏi đà giảm mạnh.

Trong đó, nhóm VN30 bị chốt lời mạnh khi có tới 26 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng nhẹ, trong khi HNX30 cũng chỉ có 2 mã tăng và 21 mã giảm.

Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường gồm VNM, VIC, VCB, GAS, SAB, CTG, BID, PLX, VRE hầu hết đều đứng ở dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ MSN tăng nhẹ chưa tới 1%, tạm đứng ở mức giá 83.300 đồng/CP.

Trái với giao dịch ảm đạm của nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và dòng bank nói riêng, thành viên mới của thị trường là HDB của HDBank đã có màn chào sàn khá ấn tượng.

Với dòng tiền chảy mạnh, nhất là từ khối ngoại, đã giúp HDB được kéo lên sát trần cùng thanh khoản sôi động. Hiện HDB đang tăng 15,2% lên mức giá 38.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,39 triệu đơn vị.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước ồ ạt mua vào, khối ngoại cũng đã đua mua với khối lượng mua ròng lớn nhất thị trường, đạt hơn 3,31 triệu đơn vị.

Mặc dù dòng tiền chảy mạnh đã giúp thị trường có những nhịp hồi và VN-Index được kéo lên sát mốc tham chiếu, tuy nhiên áp lực bán lớn mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn đã khiến chỉ số này không có cơ hội lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên sáng 5/1, sàn HOSE có 158 mã giảm/123 mã tăng, VN-Index giảm 4,21 điểm (-0,41%) xuống 1.015,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 172,62 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 4.441 tỷ đồng, tăng 18,23% về lượng và 30,85% về giá trị so với phiên sáng qua.

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 8,34 triệu đơn vị, giá trị 421,45 tỷ đồng, trong đó NVL thỏa thuận 1,64 triệu đơn vị, giá trị 110,39 tỷ đồng; PME thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 80,7 tỷ đồng; VNG và VNM cũng thỏa thuận trên dưới 50 tỷ đồng…

Ngoại trừ điểm tích cực ở “tân binh” HDB và cổ phiếu EIB, còn lại các mã ngân hàng khác đều giảm điểm như VCB giảm 1,4% xuống mức 54.600 đồng/CP, VPB giảm 1,8% xuống mức 44.100 đồng/CP, CTG giảm 1,6% xuống mức 25.300 đồng/CP, BID và STB cùng giảm 0,4% xuống mức 27.450 đồng/CP và 13.550 đồng/CP.

Trong khi đó, sau phiên lao dốc mạnh ngày hôm qua, cổ phiếu EIB đã tăng hết biên độ 6,6% lên mức giá trần 12.900 đồng/CP.

Đáng kể, cổ phiếu mới HDB vẫn không ngừng nóng lên bởi cuộc đua mua của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Chốt phiên, HDB tăng 17,9% lên sát mức giá trần 38.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường 19,23 triệu đơn vị và là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất đạt 4,29 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu lớn vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ như VNM giảm 0,88% xuống mức 212.900 đồng/CP, VIC giảm 1,48% xuống mức 79.800 đồng/CP, BVH giảm 1,77% xuống mức 66.500 đồng/CP; các mã VRE, SAB, GAS đã phần nào thu hẹp đà giảm.

Trái lại, sự hồi phục hoặc lấy lại thăng bằng của một số mã bluechip khác cũng đã giúp VN-Index không bị giảm quá sâu mà vẫn giữ được mốc 1.015 điểm. Cụ thể, bên cạnh MBB, PLX, HPG đứng giá tham chiếu, MSN nới rộng đà tăng 1,7% lên mức 83.900 đồng/CP, ROS tăng 0,67% lên mức 165.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, JVC vẫn tỏa sáng trong tuần giao dịch đầu năm mới khi ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, với mức tăng 7% lên mức 5.360 đồng/CP và khớp 3,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng khá giống sàn HOSE. Sau khi le lói sắc xanh đầu phiên, áp lực bán dâng cao khiến các mã lớn bé đua nhau giảm điểm, đã đẩy chỉ số sàn về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 87 mã giảm và 49 mã tăng, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,33%) xuống mức 119,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 36 triệu đơn vị, giá trị 605,26 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,55 triệu đơn vị, giá trị 279,7 tỷ đồng, trong đó riêng TAG thỏa thuận 7,68 triệu đơn vị, giá trị hơn 268 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng SHB và ACB cùng đứng giá tham chiếu 9.800 đồng/CP và 38.800 đồng/CP với giao dịch khá tốt. Trong đó, SHB có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 9,31 triệu đơn vị, còn ACB đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn với 3,97 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong nhóm cổ phiếu HNX30, điểm sáng là PVS khi vẫn duy trì đà tăng tích cực 2% và chốt phiên tại mức giá 26.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,55 triệu đơn vị.

Trái lại, các mã lớn khác như VCG, VGC, PVC, HUT, CEO, PVB… cũng đều quay đầu điều chỉnh.

Trên sàn UPCoM, dù giao dịch cũng có chút rung lắc tuy nhiên chỉ số sàn vẫn bảo toàn sắc xanh nhờ giao dịch tích cực ở các cổ phiếu lớn.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,15%) lên mức 56,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị, giá trị 126,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 754.794 đơn vị, giá trị 68,86 tỷ đồng, trong đó riêng SCS thỏa thuận 500.000 đơn vị, giá trị 51,85 tỷ đồng.

Bộ đôi lớn cổ phiếu hàng không tiếp tục tiến bước, cụ thể HVN tăng 1,93% lên mức 47.500 đồng/CP, ACV tăng 5,24% lên mức 120.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giữ mức tăng khá tốt, đã tiếp sức giúp thị trường hồi phục về cuối phiên như DVN, GEX, MSR, MCH, VIB, FOX…

Hai mã LPB và DVN dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,52 triệu đơn vị và 1,43 triệu đơn vị. Tiếp đó, HVN đã chuyển nhượng thành thành công 953.900 đơn vị.

 

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn