Lực chốt lời trên nhóm ngân hàng xuất hiện làm các ông lớn trong ngành như VCB, BID, CTG đều điều chỉnh mạnh. Bên bán đang khá quyết liệt trong phiên. Điểm sáng duy nhất đến từ sắc xanh của HDB, tuy không tăng mạnh nhưng xu hướng đi lên của HDB cũng tạo hiệu ứng tích cực nhất định.
Chiều ngược lại, ngành bất động sản trở thành trụ đỡ cho thị trường khi các cổ phiếu đầu ngành như: VIC, NVL, ROS bứt phá. Đặc biệt, VIC tăng tốt, xu hướng tăng trưởng đang chi phối rất mạnh trên giá, do đó, khả năng tiếp tục đi lên phá vỡ đỉnh cũ đầu tháng 04/2018 trong ngắn hạn là vẫn còn.
Cặp đôi HNG và HAG có được sắc xanh, dòng tiền chú ý đến HAG khi cổ phiếu này tăng trên 1%. Tuy nhiên, giá đang gần vùng đáy năm 2014 (mốc 5,000), nên khả năng rung lắc ngắn hạn sẽ cò tiếp tục.
HNX-Index có diễn biến tương tự, chỉ số điều chỉnh mạnh và mất mốc 135 điểm, hiện vùng 129-131 điểm (ngưỡng tâm lý và đường MA 50) sẽ là hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.
Phiên sáng: Lực bán bắt đầu gia tăng
VN-Index điều chỉnh về cuối phiên sáng trước áp lực từ bên bán, ngành bất động sản trở thành trụ cột nâng đỡ trị trường.
Kết phiên sáng, VN-Index điều chỉnh khi đóng cửa tại 1,166.99 điểm, giảm 0.51%. HNX-Index có diễn biến tương tự, chỉ số giảm 0.79% về 134.57 điểm.
Chỉ có 07/20 nhóm ngành đi lên, độ rộng thị trường yếu khi có 173 mã tăng và 249 mã giảm hàm ý lực bán đang gia tăng trên diện rộng và làm thị trường đi xuống.
Bất động sản thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi duy trì sắc xanh từ đầu phiên, nhóm này tăng tốt nhất thị trường với sự bứt phá từ: VIC, NVL, ROS. Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong ngành như SCR, HAR, DRH cũng thu hút được dòng tiền.
Chiều ngược lại, lực chốt lời xuất hiện trên ngành ngân hàng khi ba ông lớn đầu ngành là VCB, BID, CTG đi xuống. Điểm tích cực duy nhất đến từ sắc xanh của HDB, giá tăng 1.2%. Giai đoạn tăng trưởng chi phối HDB và giá đang trong quá trình tìm đỉnh cao mới.
Sản phẩm cao su điều chỉnh khi DRC và SRC chìm trong sắc đỏ, chỉ còn CSM có được đà tăng. Đặc biệt, DRC đang rung lắc quanh hỗ trợ mạnh, đường MA 50 (vùng 27,000-28,000), nếu có thể tích lũy quanh vùng này thì cơ hội tăng trưởng vẫn có thể quay lại.
10h30: Bất động sản dậy sóng
VN-Index rung lắc khi lực bán có phần gia tăng. Ngành bất động sản trở thành tâm điểm trong phiên.
Bất động sản trở thành điểm sáng khi duy trì đà tăng. Ngoài các cổ phiếu đầu ngành đi lên như: VIC, ROS, NVL thì các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ khác cũng thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư như: SCR, DRH, FLC.
Cặp đôi HNG và HAG đi lên khi tăng trưởng trên 1%, tuy nhiên giá hai cổ phiếu này đóng cửa dưới nhóm MA quan trọng (MA 100) nên hiện tượng rung lắc vẫn tiếp tục diễn ra.
Bất chấp sự phục hồi gần đây của giá dầu, họ dầu khí đang giằng co. Ngoài PVD có được sắc xanh, tăng trên 1%, thì ba ông lớn còn lại trong ngành (GAS, PVT, PVS) đều đi xuống. Giá dầu được giữ trên mốc 60 USD/thùng nên các cổ phiếu trong ngành về cơ bản vẫn được hỗ trợ trong thời gian tới. Hiện tượng điều chỉnh gần đây có thể chỉ mang yếu tố kỹ thuật.
Tổng thống Mỹ xem xét lại khả năng tấn công quân sự vào Syria đã làm giá dầu thế giới diễn biến trái chiều phiên tối qua. Theo đó, giá dầu WTI giao tháng 5 tăng 0.4% lên 67.07 USD/thùng, cao nhất từ tháng 12/2014, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm nhẹ 0.1% còn 72.02 USD/thùng.
Chế biến thủy sản tăng trưởng tốt khi hai cổ phiếu đầu ngành là IDI và VHC đi lên, qua đó tạo hiệu ứng tích cực cho những cổ phiếu khác.
Mở cửa: Tâm lý hưng phấn đầu phiên
Sự đi lên của chứng khoán Mỹ đã tạo hiệu ứng tích cực cho nhà đầu tư, qua đó giúp VN-Index có được sắc xanh.
Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi phiên tối qua khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc lại khả năng tấn công quân sự vào Syria, bên cạnh đó nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào báo cáo lợi nhuận khả quan. Theo đó, Dow Jones đi lên 1.21% đạt 24,483.05 điểm, S&P tăng 0.83% lên 2,663.99 điểm, Nasdaq Composite bứt phá 1.01% đạt 7,140.25 điểm.
Bất động sản tiếp tục trở thành tâm điểm khi có sự tăng tốc, các cổ phiếu đầu ngành như VIC, ROS thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Không những vậy, dòng tiền còn có xu hướng chảy vào những cổ phiếu có biến động lớn trong quá khứ như: FLC, DRH, SCR…
Hàng không có được sắc xanh nhờ sự đi lên của VJC. Hiện, VJC tăng trưởng tốt 1%, giá được hỗ trợ tại mốc 205,000-210,000, nếu giữ được vùng này thì khả năng vượt đỉnh lịch sử (225,000-230,000) là rất lớn.
Chiều ngược lại, hiện tượng chốt lời lại xuất hiện ở nhóm thực phẩm - đồ uống, VNM và SAB chìm trong sắc đỏ đã tạo áp lực lên thị trường chung. Tuy nhiên, lực bán trên nhóm không quá lớn.
Thế giới
Thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như bớt cứng rắn hơn trong những đe dọa về hành động quân sự tại Syria.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 12/4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như bớt cứng rắn hơn trong những đe dọa về hành động quân sự tại Syria.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên tăng điểm mạnh, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,2%, lên 24.483,05 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,8%, lên 2.663,99 điểm; và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1%, lên 7.140,25 điểm.
Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại London tăng gần 0,1%, lên 7.258,34 điểm; chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tăng 1%, lên 12.415,01 điểm; và chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,6%, lên 5.309,22 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 cũng tăng 0,7%, lên 3.443,3 điểm.
Theo giới quan sát, tình hình tại Syria hiện vẫn khó lường. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn đang cân nhắc thời điểm có thể tấn công Syria nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta.
Trong thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội Twitter sáng 12/4 theo giờ Mỹ, Tổng thống D.Trump nêu rõ: "Tôi chưa bao giờ nói khi nào một cuộc tấn công Syria sẽ xảy ra. Có thể sẽ rất sớm hoặc không sớm chút nào". Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi chính ông D.Trump cảnh báo rằng "những tên lửa sẽ được phóng tới" Syria.
Các yếu tố khác đứng đằng sau sự bứt lên của các thị trường là sự lạc quan về mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới, và những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ sẽ cân nhắc việc tham gia trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay đã được đổi tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nguồn: VITIC tồng hợp/Vietstock, TTXVN