Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita ngày 31/8 cho biết, nước này đang hướng tới các sản phẩm chip bán dẫn được sản xuất trong nước theo từng giai đoạn, phù hợp với mục tiêu của chính phủ là chương trình thay thế nhập khẩu.
Theo ông Agus, để đạt được mục tiêu trên, cần có sự hỗ trợ của chính phủ dưới dạng chính sách và cơ sở vật chất, cả tài chính và phi tài chính. Việc cung cấp các ưu đãi là một trong những nỗ lực nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn ở Indonesia.
Ngành công nghiệp chip bán dẫn tiếp tục phát triển từ chip vi điều khiển sang chip trí tuệ nhân tạo (AI) với chức năng ngày càng phức tạp phù hợp với sự phát triển của Công nghiệp 4.0. Vai trò chiến lược của ngành chip được đánh giá là ngày càng mang tính chiến lược trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và quốc gia.
Với việc cho ra mắt chương trình “Making Indonesia 4.0,” Indonesia nhấn mạnh việc củng cố và phát triển sâu rộng ngành công nghiệp không thể tách rời nhu cầu về thiết bị chip các loại.
Ông Agus cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và căng thẳng chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc đã tác động đến chuỗi cung ứng chip cho nhiều nhu cầu khác nhau như ôtô, máy tính, hàng điện tử và thiết bị viễn thông cũng như các thiết bị có tính năng trí tuệ nhân tạo. 
Do vậy, Indonesia phải đưa ra những cách tối ưu để bảo vệ nền công nghiệp quốc gia và chuẩn bị một chuỗi cung ứng an toàn để có nguồn cung linh kiện chip bán dẫn trong nước.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần được thực hiện với nhiều phương án phát triển khác nhau vì ngành công nghiệp này mất vài năm để xây dựng hoạt động sản lượng, đi cùng với số lượng đầu tư lớn và sự sẵn có của các kỹ sư có kỹ năng cao để xử lý sự phức tạp của công việc từ thiết kế đến quy trình sản xuất với kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt.
Thách thức trên mang lại cơ hội mới cho ngành công nghiệp Indonesia và các nhà đầu tư khởi nghiệp trong việc ký hợp đồng sản xuất chip đang phát triển ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Indonesia khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử hạ nguồn, đồng thời tìm cách mời gọi đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, bao gồm các ngành Fabless, Foundry, IDM và OSAT tới Indonesia.
Indonesia đang tìm hiểu để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu thông qua sự hợp tác với các Đối tác đa quốc gia (MNC) và các công ty mới thành lập trên toàn thế giới./.

Nguồn: Đình Ánh (TTXVN/Vietnam+)