Đây là một trong những mục tiêu được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra và cần hoàn thành vào năm 2025.
Theo định hướng đến năm 2025, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số để mỗi người có một danh tính số trên không gian mạng. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.
Phát triển, sản xuất thiết bị mạng lưới và phát triển mạng lưới, dịch vụ viễn thông dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% xã, trên 80% hộ gia đình; 100% số thuê bao di động là băng rộng; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt trên tỷ lệ 30%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 80%; 100% dân số trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ doanh thu dịch vụ thoại và SMS trên tổng doanh thu dịch vụ thông tin di động dưới 20%; tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực viễn thông trung bình là 8% - 10%/năm.
Hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam chiếm 70% thị phần nội địa vào năm 2025.
Thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp dựa trên các mạng, công nghệ tương lai như các dịch vụ trên nền tảng 5G, IoT, Big Data, AI… Hướng tới mục tiêu mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang.
Thiết lập khung quản lý nền tảng số, quản lý dịch vụ số (kể cả các nền tảng xuyên biên giới) theo hướng áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm (ex-ante), quy định rõ các nghĩa vụ như chia sẻ dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, v.v. đối với các nền tảng có vị trí thống lĩnh thị trường để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ số.
Mở rộng kết nối Internet trong nước, thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Triển khai rộng rãi công cụ thuần Việt đo kiểm tốc độ, chất lượng kết nối Internet Việt Nam (i - Speed), đánh giá chính xác và đảm bảo hạ tầng kết nối bằng chính trải nghiệm của người sử dụng.
Toàn bộ mạng Internet Việt Nam ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); 100% người dân truy cập Internet băng rộng qua IPv6. Phổ cập việc sử dụng tên miền quốc gia (.vn) cho toàn dân. Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn).
Triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 đáp ứng mục tiêu phổ cập truy cập dịch vụ băng rộng.
Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia đứng đầu trên thế giới về chỉ số phát triển CNTT (IDI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU vào năm 2025.
Các mạng chuyên dùng được hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai theo định hướng đã được phê duyệt: Mạng truyền số liệu chuyên dùng được định hướng là mạng “thống nhất, dùng riêng, an toàn, bảo mật, thống nhất 4 cấp, quản lý giám sát tập trung, là thành phần then chốt của hạ tầng Chính phủ số”. Mạng điện báo hệ đặc biệt được định hướng hệ thống thông tin mang tính chiến lược, phục vụ các tình huống khẩn cấp, cơ mật.

Nguồn: Theo PV/Vnmedia