Khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam là Hoa Kỳ. Thuế suất hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm rõ nét từ 17,5% (bình quân) xuống còn 0% theo lộ trình tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, hàng may mặc Việt Nam phải thỏa mãn quy tắc “từ sợi trở đi”. nghĩa là phải được sản xuất từ vải được làm từ sợi sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP. Ngành may mặc Việt Nam có nhu cầu rất lớn về vải xuất khẩu, tuy nhiên do “nút thắt cổ chai” tại khâu đoạn dệt nhuộm của chuỗi cung ứng, ngành may phải nhập khoảng hơn 6 tỉ m2 vải mỗi năm để làm hàng xuất khẩu. Dưới tác động của TPP, chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển về Việt Nam. Các nhà đầu tư dệt may chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư các nhà máy sản xuất vải, đón đầu cơ hội khi TPP có hiệu lực. Dưới tác động của TPP và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành sợi Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ cơ hội này.

Các chuyên gia dự báo, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đến năm 2025, ngành kéo sợi Việt Nam phải có được 17,9 triệu cọc. Đây là dự báo hết sức lạc quan cho sự phát triển của ngành sợi Việt Nam. Tuy nhiên, ngành sợi Việt Nam cần phải vượt qua được các thách thức không nhỏ. Trước hết là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu: hầu hết nguyên liệu kéo sợi tại Việt Nam đều phải nhập khẩu, trong đó nguyên liệu chính dùng để kéo sợi là bông và các loại xơ (hóa học, nhân tạo). Giá các nguyên liệu này lên xuống do tác động của thị trường hàng hóa toàn cầu và có ảnh hưởng đến giá sợi bán ra. Đây là rủi ro lớn cho các nhà kéo sợi chưa có cơ chế bảo vệ giá thành sản xuất của mình, sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu: gần 60% sản lượng sợi xuất khẩu năm 2015 được xuất sang Trung Quốc. Từ lâu, sợi Việt Nam xuất được sang Trung Quốc do sự chênh lệch giá nguyên liệu giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, đây là rủi ro tiềm ẩn 4 và sẽ tác động tiêu cực đến sợi xuất khẩu Việt Nam khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh chính sách để giảm thiểu sự chênh lệch về giá này. Chúng ta thiếu kết nối với chuỗi cung, nhà kéo sợi Việt Nam chưa có sự kết nối theo chuỗi cung cấp với nhà sản xuất vải. Quan hệ mua bán chỉ đơn thuần là mua đứt bán đoạn trên thị trường trôi nổi. Đây là rủi ro đặt doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam vào thế bất lợi khi nhu cầu của thị trường thay đổi (chất liệu, thành phần sợi…). Chúng ta thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, cụ thể Việt Nam chưa có các tổ chức, trường đào tạo chuyên ngành kéo sợi. Các doanh nghiệp phải tự đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực nội bộ hoặc phải thuê các chuyên gia nước ngoài với giá cao. Sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến rủi ro chảy máu nhân lực trong ngành là tương đối lớn.

Có thể nói Việt Nam đang đứng trước những vận hội to lớn từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các chuyên gia đều nhận định dệt may chắc chắn sẽ là ngành hưởng nhiều lợi ích nhiều nhất từ các Hiệp định này. Sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15% năm, dệt may Việt Nam đã vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, đứng top đầu về xuất khẩu (đạt 27,2 tỷ US$ năm 2015) và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 5 thế giới. Với đầu kéo là ngành may xuất khẩu được thúc đẩy tăng trưởng từ các ưu đãi lớn về thuế quan từ TPP, EVFTA, chắc chắn các ngành công nghiệp sản xuất thượng nguồn sợi – vải trong nước cũng sẽ phát triển tương xứng để đáp ứng các quy định xuất xứ khắt khe từ các hiệp định. Xét trong bối cảnh trên, sự phát triển về quy mô của ngành sợi Việt Nam trong thời gian tới là một xu thế không thể đảo ngược. Đặc biệt, với TPP, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” giúp sợi nội địa có một ưu thế tuyệt đối so với sợi xuất khẩu. Với EVFTA, mặc dù quy tắc xuất xứ chỉ là “từ vải trở đi”, nhưng với lợi thế về khoảng cách, thời gian đáp ứng nhanh… sợi Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế so với sợi nhập khẩu.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng nhu cầu sử dụng sợi trong nước lại phụ thuộc vào sản lượng vải được sản xuất trong nước. Như đã nhận định, xét từ cấp độ toàn ngành, Việt Nam chưa hình thành được một chuỗi cung ứng dệt may đúng nghĩa. Cụ thể “nút thắt cổ chai” tại khâu đoạn dệt nhuộm là vấn đề thâm niên và cần được tháo gỡ triệt để, tạo sự kết nối thông suốt trong toàn chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Trong thời gian qua, nhìn vào cấp độ từng doanh nghiệp, tại Việt Nam cũng đã hình thành một số chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh từ sợi tới may, chủ yếu thuộc về các tập đoàn sản xuất dệt may quốc tế lớn. Xu thế này sẽ còn được tiếp diễn song song với quá trình dịch chuyển đầu tư, sản xuất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài 5 Loan... dưới tác động của “lực kéo” (yêu cầu của các thương hiệu, người mua) và “lực đẩy” (chi phí tăng cao, vấn đề môi trường… tại các quốc gia). Có thể nói trong ngành dệt may Việt Nam đang và sẽ hình thành các chuỗi dệt may hoàn chỉnh, “các ốc đảo độc lập” của các nhà sản xuất dệt may quốc tế trong toàn bộ “đại dương Dệt may Việt Nam”, trong đó sản lượng sợi cân đối với sản lượng vải và với quy mô đơn hàng may xuất khẩu. Nếu xu thế này (đầu tư nguyên chuỗi) chiếm tỷ lệ lớn trong luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì “dư địa” cho ngành sợi trong nước tăng trưởng sẽ không quá sáng.

Song chúng ta có thể nhận thấy hiện nay vẫn có nhiều nhà đầu tư chuyên về dệt nhuộm (không đầu tư sợi) đầu tư vào Việt Nam, và họ chắc chắn sẽ ưu tiên mua sợi trong nước. Đây sẽ là vùng đất tiềm tàng cho sự tăng trưởng của ngành sợi Việt Nam. Nhận định trên (dư địa cho phát triển sợi) thực ra mới đúng về nguyên tắc. Phân tích sâu hơn sẽ cho thấy các doanh nghiệp sợi Việt Nam đang đứng trước những bài toán khó. Đó là sự “thiếu hụt” về chất lượng và chủng loại sản phẩm. Việt Nam mới chú trọng phát triển sợi phổ thông với chi số trung bình thấp (30-32s), trong khi nhu cầu thị trường may mặc của TPP và EVFTA trong tương lai sẽ yêu cầu những loại sợi cao cấp và đa dạng hơn. Ngoài ra xuất khẩu chiếm 75% tổng sản lượng và Trung quốc là thị trường tiêu thụ chính (chiếm gần 70% tổng lượng xuất khẩu) nhưng tiểm ẩn quá nhiều rủi ro do sự tập trung quá lớn vào một thị trường, sự thay đổi về chính sách của Chính phủ Trung quốc, sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Pakistan vốn có lợi thế tuyệt đối về nguồn cung bông. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, sự liên kết giữa các doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam với các nhà sản xuất vải khá lỏng lẻo do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trước những khó khăn, thách thức nói trên, dường như đối với các doanh nghiệp sợi Việt Nam, khái niệm tồn tại phải gắn liền với sự thay đổ. Trước hết chúng ta cần thay đổi trong tư duy: Hoặc phải tiến tới liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng dệt may hoặc phải tự mình đầu tư theo chiều dọc để hình thành chuỗi cung ứng của riêng mình.  Chúng ta cần thay đổi về tầm nhìn: Cần phải có tầm nhìn toàn cầu, xuyên suốt theo chuỗi cung ứng hướng tới người tiêu dùng cuối cùng, thay vì chỉ tập trung vào riêng khâu đoạn. Cuối cùng cần thay đổi về sản phẩm: Cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, mạnh dạn tiến vào những lĩnh vực mới như sợi compact, sợi dún, sợi fancy… nhưng phải tinh về chất lượng. Các doanh nghiệp sợi nào có thể thực hiện được những thay đổi trên sẽ tồn tại, phát triển song hành cùng lợi ích hài hòa với các chuỗi cung ứng của các thương hiệu thời trang trên thế giới.

Nguồn: support.gov.vn