Những vấn đề nói trên đã được PV Báo Điện tử Chính phủ chuyển đến ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).
Thưa ông, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2015-2016, thị trường điện Việt Nam bước sang cấp độ 2, tức là thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Xin ông cho biết tình hình triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh đến nay như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) bắt đầu đưa vào vận hành từ năm 2012; thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) từ năm 2015-2021; và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3) từ năm 2021.
Công tác nghiên cứu thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được triển khai từ năm 2012. Trên cơ sở thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương phê duyệt (Quyết định 6463/QĐ-BCT ngày 22/7/2014), Cục Điều tiết điện lực, Liên danh tư vấn Intelligent Energy System (Austrlia) - SW Advisory và các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các tổng công ty phát điện, các tổng công ty điện lực, các đơn vị phát điện… đã triển khai xây dựng thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thị trường).
Ngày 10/8, thiết kế chi tiết thị trường đã được phê quyệt theo Quyết định số 8266/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Việc hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường là dấu mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành hàng loạt nhiệm vụ tiếp theo, như xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị… để phục vụ vận hành thị trường này.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg đúng tiến độ, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực, EVN và các đơn vị tham gia thị trường khẩn trương triển khai thực hiện hàng loạt công tác chuẩn bị cần thiết để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành.
Thưa ông, đặc điểm nổi bật của thị trường bán buôn điện cạnh tranh là gì? So với thị trường phát điện cạnh tranh thì các đơn vị phát điện, các khách hàng mua điện, đặc biệt là DN và người dân sẽ nhận được những lợi ích gì từ thị trường bán buôn điện cạnh tranh? Liệu điều này có khiến người dân bớt kêu ca về tình trạng độc quyền của EVN?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, các DN phát điện cạnh tranh để bán cho người mua duy nhất là EVN. Sau đó, EVN sẽ bán lại cho 5 tổng công ty làm nhiệm vụ phân phối-bán lẻ (gồm: Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội và TPHCM).
Khi chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện được tự do lựa chọn bán điện cho 5 tổng công ty phân phối nói trên. Bên cạnh đó, các đơn vị phát điện còn được bán cho các đơn vị buôn bán lẻ mới thành lập trên thị trường điện và đặc biệt là, các đơn vị phát điện còn được bán điện trực tiếp cho các khách hàng lớn là KCN, nhà máy xi măng, nhà máy thép… bằng cách đấu nối trực tiếp vào lưới điện truyền tải.
Như vậy, phạm vi cạnh tranh trong ngành điện được mở rộng không chỉ trong khâu phát điện mà còn mở rộng sang khâu mua buôn điện.
Việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, DN và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch.
Trong thị trường bán buôn điện, EVN sẽ không còn độc quyền mua buôn điện như trong thị trường phát điện cạnh tranh nữa. Như vậy, việc đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ loại bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện.
Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các khách hàng lớn sẽ được trực tiếp mua điện từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường điện. Với vai trò quản lý Nhà nước ngành điện, Cục Điều tiết điện lực sẽ có giải pháp gì để tạo điều kiện cho các khách hàng lớn có thể tham gia thị trường điện một cách thuận lợi?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ được trực tiếp mua điện từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường điện.
Ban đầu, chỉ các khách hàng lớn đấu nối lưới truyền tải tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đáp ứng, có thể xem xét mở rộng đối tượng khách hàng lớn khác được phép tham gia thị trường bán buôn điện.
Để tạo điều kiện cho khách hàng lớn tham gia thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực sẽ nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Bộ Công Thương ban hành các quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện kinh tế-kỹ thuật-tài chính đối với khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo từng giai đoạn phát triển của thị trường bán buôn điện cạnh tranh; ban hành quy trình đăng ký tham gia thị trường để hướng dẫn các khách hàng lớn thực hiện các thủ tục cần thiết để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Cục cũng sẽ dự thảo trình Bộ Công Thương ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để khuyến khích khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo các nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử.
Vấn đề khách hàng quan tâm nhất hiện nay vẫn là giá điện, xin ông cho biết giá điện bán cho các khách hàng sử dụng điện khi triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn điện sẽ mua điện theo giá thị trường. Các khách hàng còn lại sẽ tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty Điện lực theo biểu giá bán lẻ điện thống nhất toàn quốc như hiện tại.
Trong thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường. Cũng như ở thị trường phát điện cạnh tranh, trong thị trường bán buôn điện, các đơn vị phát điện phải tối ưu hoá chi phí, chào giá thấp đến mức có thể, để được huy động nhiều hơn. Trong khi đó, các đơn vị phân phối cũng phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các thành phần chi phí này sẽ được phản ánh một cách minh bạch và hiệu quả trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sử dụng điện.
Hiện tại, Cục Điều tiết điện lực đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo phản ánh đúng tín hiệu giá và tính hiệu quả của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Định hướng xây dựng cơ chế giá điện sẽ tập trung vào các nội dung: Điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện; giá điện kịp thời phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu nguồn huy động… của đơn vị điện lực, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt.
Như vậy giá bán lẻ sẽ phản ánh theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Qua đó chúng ta phải đảm bảo được các mục tiêu quan trọng là chuyển sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước mở rộng cạnh tranh đến các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, đồng thời thực hiện chủ trương chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Toàn Thắng- Đình Dũng
Chính phủ