Theo đánh giá thị trường của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc, nguồn nhiên liệu than để sản xuất cho các nhà máy Đạm Hà Bắc và Ninh Bình khan hiếm do mưa lũ cuối tháng 7.
Nguồn than được ưu tiên cho ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng, nên thiếu hụt để sản xuất cho các nhà máy phân bón. Dự kiến, hệ lụy của việc này chắc chắn sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay.
Hiện tại, khu vực Bắc Trung bộ cơ bản hoàn thành chăm bón, cây lúa phát triển tốt và dự kiến sẽ trỗ đòng trong tuần giữa tháng 8. Khu vực Bắc bộ dần qua giai đoạn chăm bón đợt 1, đợt 2 sẽ được bà con chăm bón trong tuần tới.
Trong khi đó, thời điểm đầu tháng 8, Đạm Phú Mỹ tuy đã sản xuất trở lại nhưng lượng hàng chủ yếu phục vụ các tỉnh phía Nam và miền Trung Tây nguyên. Thị trường phía Bắc tiếp tục khan hiếm.
Đạm Ninh Bình trong tháng không có hàng tồn kho, có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ khi sản xuất ổn định lượng tồn kho nhà máy bằng không. Nguyên nhân chính cũng là do thị trường khan hàng cũng như nhà máy dừng bảo dưỡng/ sữa chữa đúng giai đoạn cao điểm của mùa vụ.
Trong khi đó, Đạm Hà Bắc tiếp tục khan hàng trong tháng 7, lượng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con. Diễn biến khan hiếm hàng còn nghiêm trọng hơn nhất là khi nguồn cung chính là Đạm Ninh Bình và Đạm Phú Mỹ cũng không có hàng.
Đạm Trung Quốc gần như không có hàng, lượng hàng nhỏ lẻ về Hải Phòng bằng đường thủy chào giá từ 7.600 đ/kg lên phương tiện. Đạm Trung Quốc giao tại tại Lào Cai không có hàng do chào mức giá quá cao, hàng về đường sắt chào tại Đông Anh giá 7.500 đ/kg. Giá bán lẻ Đạm Trung Quốc khoảng 400.000 đồng/bao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 7 năm 2015 đạt 521 nghìn tấn với giá trị 161 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2,56 triệu tấn.
Giá trị nhập khẩu đạt 811 triệu USD, tăng 18,5% về khối lượng và cũng tăng 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 234 nghìn tấn với giá trị đạt 75 triệu USD,tăng gấp 2,2 lần về khối lượng và tăng 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, mặc dù thì phần thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn chiếm tới 45,4 % tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này. Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Lào (2,6 lần), Hàn Quốc (87%), và Belarus (73,5%).
Khác với mặt hàng phân bón Urê, mặt hàng Kaly và NPK ổn định hơn cả về giá và cán cân cung cầu. Mặt hàng Kaly Phú Mỹ tại khu vực thị trường Bắc Trung bộ trong tháng tiêu thụ khá tốt, có thể nói nếu giữ vững sự ổn định, sản phẩm Kaly Phú Mỹ sẽ được thị trường chấp nhận. Mặt hàng NPK các loại trong tháng tiêu thụ ở mức vừa phải do nhu cầu sử dụng không nhiều.
Tại cuộc họp điều hành sản xuất tháng 8 và bàn các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, sẽ phấn đấu sản xuất 2,2 triệu tấn than trong tháng 8.
Đặc biệt, về công tác tiêu thụ than, ông Hải nhấn mạnh bằng mọi cách, phải đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế, nhất là than cho các nhà máy nhiệt điện như Vĩnh Tân II, Duyên Hải I.
Vinacomin sẽ giao các các ban chức năng sớm nghiên cứu, xem xét triển khai xây dựng kho than dự trữ, trung chuyển tại các khu vực miền Trung, miền Nam nhằm chủ động hơn trong công tác giao than sau này.
Huyền Thương