Công nghiệp chế biến, chế tạo không còn dẫn dắt
Theo Bộ Công Thương, quý 1/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%) làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, trong quý 1, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, báo cáo cho thấy, ngay từ đầu năm 2023, năng lực sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 1/2023 ít hơn các năm trước đó vì trùng 2 dịp nghỉ Tết.
Bước sang tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Sang tháng 3, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước khi IIP tăng 9,6% so với tháng 2/2023 nhưng so với cùng kỳ có sự giảm nhẹ (giảm 1,6%).
Theo Bộ Công Thương, tính chung quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất quý 1 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 7,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,9%.
Số ít ngành tăng như: sản xuất đồ uống tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 19,4%; khai thác quặng kim loại tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,2%.
Báo cáo cũng ghi nhận khá nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm trong quý đầu năm 2023. Chẳng hạn: ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%; phân urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%.
Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%). Đặc biệt, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1 là 81,1% (bình quân quý 1 năm 2022 là 79,9%).
Tác động kép
Về cơ cấu địa phương, có 48 địa phương có IIP quý 1 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%).
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.) hoặc ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%; Hải Phòng giảm 18,5%...).
Lý giải nguyên nhân chỉ số công nghiệp giảm trong quý 1, Bộ Công Thương cho biết do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm...