Bên lề Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ của Samsung điện tử diễn ra ngày 15/7/2015, chúng tôi đã có trao đổi với  đại diện Bộ Công thương, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và các chính sách của Bộ Công thương nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Samsung đã công bố các linh kiện để tìm nhà cung ứng tại Việt Nam, đây là cơ hội nhưng cũng đầy thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá điều này như thế nào? Liệu các DN Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu của Samsung không?

Ông Phạm Anh Tuấn: Samsung đã giới thiệu các mặt hàng tìm nhà cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho điện thoại di động tuy nhiên hiện chỉ một số ít DN tiếp cận được, một số khác cung ứng cho nhà thứ cấp cho Samsung.

Các vấn đề khác đơn giản hơn như vỏ bao, khay nhựa, hệ thống giá gỗ, bao bì thì DN Việt nam có thể làm được và tăng dần sản lượng lên trong thời gian tới, còn các sản phẩm điện thoại di động là sản phẩm công nghệ cao cần phải có quá trình.

Tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt cho VN vì chúng ta đã biết Samsung là tập đoàn toàn cầu có thị trường ở khắp thế giới và có 3 nhà máy ở VN. Riêng nhà máy Samsung Bắc Ninh trong năm qua xuất khẩu 7 tỷ USD chủ yếu là điện thoại di động, Samsung Thái Nguyên cũng có doanh số rất lớn, đây là thị trường rất lớn về sản phẩm lắp ráp cho Việt Nam cung cấp linh kiện cho Samsung.

Liệu các DN Việt Nam có đáp ứng được các yêu cầu của Samsung trước những mặt hàng này không thưa ông?

Trong tương lai gần số DN Việt Nam tham gia cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho Samsung sẽ tăng dần lên, qua khảo sát của Samsung và Bộ Công thương thì đã có một số DN đủ điều kiện cung cấp bước đầu linh kiện điện tử cho điện thoại di động.

Trước đây hệ thống công nghệ kỹ thuật của các DN Việt Nam chủ yếu theo hướng Đông Âu cũ, các DN không có điều kiện tích lũy về tài chính tuy nhiên trong thời gian vừa qua, nhờ có sự hỗ trợ của DN nước ngoài thì ngành công nghiệp hỗ trợ đã có tiến bộ đáng kể.

Về Điện tử là lĩnh vực tương đối khó đã tìm được một số nhà cung cấp, còn về lĩnh vực xe máy có những tiến bộ vượt bậc. Trước đây khoảng 20 năm, Honda VN sản xuất xe Dream toàn bộ phải nhập khẩu, hiện nay xe máy tại Việt Nam trong nước đã sản xuất được 95-98%, kể cả động cơ chủ yếu do DN VN thực hiện.

Điều này đã tạo ra thị trường lớn để xuất khẩu. Xe SH của Honda VN trước đây nhập động cơ từ Italy nay đã xuất ngược sang Italy, công nghiệp xe máy phát triển hỗ trợ nền tảng ngành cơ khí và tiến tới phát triển ngành ô tô và các ngành khác. Điều này cần quá trình lâu dài và có lộ trình nhưng bước đầu có tiến bộ nhất định.

Ngày hôm nay chúng ta tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho Samsung, ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của DN Việt Nam so với hội thảo năm ngoái?

Năm ngoái hầu như Samsung chưa tìm được nhà cung cấp đáng kể nào, năm nay có khoảng 20 nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung ngoài ra có nhiều nhà cung cấp các công cụ sản xuất như băng dính, bao bì, thiết bị bảo hộ lao động. Tôi đánh giá so với năm ngoái mặc dù thời gian 1 năm chưa nhiều nhưng đã có thành công rõ rệt, Samsung cũng thống nhất với đánh giá của chúng tôi qua quá trình khảo sát hôm nay.

Năm ngoái nổi lên câu chuyện doanh nghiệp VN chưa làm được đinh vít?


Thực ra DN Việt Nam không làm được hay không được làm là 2 khái niệm khác nhau. Hiện nay VN có thể làm được rất nhiều loại định vít,  Indovit vẫn làm được nhưng nếu sản lượng nhỏ thì không thể cạnh tranh được. Còn nếu hợp tác được với Samsung, sạc pin điện thoại mỗi cái 4-5 con vít nếu đặt hàng vài chục triệu cái một năm thì DN có thể đầu tư và làm được.

Tôi khẳng định năng lực các DN trong nước làm được và nếu có thị trường sẽ đầu tư và phát triển, đó là quy luật cơ chế thị trường.

Theo ông các hạn chế của DN Việt Nam hiện nay là gì?

Thứ nhất là hạn chế về vốn và đào tạo. Các nước phát triển trước chúng ta nhiều năm trong lĩnh vực điện tử. Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước trong khu vực đã sản xuất điện tử rất lâu rồi.

Chúng ta đi sau có điều kiện tiếp cận công nghệ mới của thế giới mà không phải qua quá trình nghiên cứu cơ bản từ đầu, bên cạnh đó cần phải có sự nỗ lực của DN và sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ thì mới có thể thành công được.

Theo ông thị trường Việt Nam hiện tại có những yếu tố gì thu hút các nhà đầu tư lớn như Samsung?

Việt Nam có rất nhiều yếu tố thu hút NĐT nước ngoài nhờ hệ thống chính trị ổn định, đội ngũ lao động đang ở tuổi vàng, tiếp thu nhanh, ngoài ra khi các NĐT nước ngoài đầu tư vào VN sản xuất hưởng quy tắc xuất xứ CO - xuất xứ hàng hóa từ Đông Nam Á có lợi khi xuất khẩu vào thị trường phát triển.

Về chính sách hỗ trợ công nghiệp đã có từ lâu nhưng dường như các DN chưa tiếp cận được, Bộ Công thương có giải pháp gì tháo gỡ cho DN không thưa ông?

Trước đây Thủ tướng ban hành Quyết định 12/2011 về chính sách phát triển 6 ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày, điện tử tin học, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao, đi kèm Quyết định 1183 liệt kê chi tiết cụ thể 6 ngành này để hỗ trợ phát triển và Quyết định 1556 hỗ trợ DNVVN. Tuy nhiên các DNVNN số lượng lớn, năng lực tài chính hạn hẹp cần phải có thời gian, các chính sách trên chủ yếu cho các dự án đầu tư lớn.

Hiện nay theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về phát công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nghị định này về mặt pháp lý cao hơn và phạm vi ứng dụng rộng rãi hơn. 

Ngoài ra, Luật đầu tư vừa ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2015 cũng có rất nhiều đổi mới. Theo đó trong chính sách về công nghiệp hỗ trợ có chính sách phát triển đưa DN VN trở thành tập đoàn toàn cầu cung ứng cho Samsung và các tập đoàn khác.

Ngoài ra với các dự án quan trọng trao quyền rất nhiều cho các DN và các địa phương như dự án đầu tư chỉ cần đăng ký đầu tư chứ không phải qua các thủ tục phức tạp, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ về môi trường đầu tư...
Trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, nhà nước khó hỗ trợ tài chính cho DN VN vì phân quyền đối xử với DN nước ngoài, nhưng chính sách này tạo ra thị trường lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển.
Xin cảm ơn ông.