Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đó là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định TPP tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP chiều ngày 9/10. 

Tại buổi gặp mặt, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định TPP có 9 nội dung quan trọng được đàm phán và thông qua.  

Với dòng thuế nhạy cảm, cần 11 nước chấp nhận trước khi cắt giảm

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận. 

Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn . Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. 

Theo danh mục này, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. 

Các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành

Trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, nghĩa vụ chính TPP là không phân biệt đối xử, bao gồm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau (dành đãi ngộ tối huệ quốc) và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài (dành đãi ngộ quốc gia). 

Nước nào có nhu cầu phân biệt đối xử thì bảo lưu biện pháp phân biệt đối xử đó trong Phụ lục kèm theo Hiệp định. Mọi biện pháp quản lý, nếu không có yếu tố phân biệt đối xử, đều được phép duy trì mà không cần phải bảo lưu trong Hiệp định.   

Với mục tiêu thu hút mạnh đầu tư vào khu vực TPP (chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu), các nước đặt ra kỳ vọng rất cao cho lĩnh vực dịch vụ - đầu tư.  Các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành.

Kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam       

Các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh-quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà ta bảo lưu trong đàm phán. 

Về cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP; không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các trường hợp được bảo lưu. Đặc biệt Hiệp định cũng yêu cầu minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu; có quy định để bảo đảm liêm chính trong quá trình đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu.

TPP không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) và cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm phục vụ an ninh – quốc phòng.

Kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.        

Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh

Các nghĩa vụ chính của Hiệp định bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường; Các doanh nghiệp Nhà nước không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Ngoài ra, Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác. 

Các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nướ mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các doanh nghiệp này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. 

Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các doanh nghiệp Nhà nước khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước  nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. 

Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về doanh nghiệp Nhà nước khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. 

Sở hữu trí tuệ: Việt Nam đồng ý với các tiêu chuẩn của TPP nhưng sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của Việt Nam

TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là với dược phẩm. Đồng thời, các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ nước mình, kể cả tại biên giới và trong môi trường Internet. 

Đặc biệt, các nước phải có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Cách tiếp cận này đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO (chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính). 

TPP cũng yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới xuất hiện như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử để phục vụ sao chép lậu, câu trộm để phát tán tín hiệu truyền hình cáp.

Việt Nam đồng ý với các tiêu chuẩn của TPP nhưng sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của Việt Nam.

Xóa thuế xuất khẩu: Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý

Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). 

Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá ta có sản xuất trong nước. 

Thương mại và môi trường: Không áp dụng các hình thức trợ cấp nghề cá gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản đang bị đánh bắt quá mức

TPP đưa ra các yêu cầu cam kết bảo vệ môi trường theo các quy định của các điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia, có chế tài trong trường hợp vi phạm. Không áp dụng các hình thức trợ cấp nghề cá gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản đang bị đánh bắt quá mức, nhưng có lộ trình để rà soát lại chính sách và điều chỉnh chính sách, nếu cần. 

Theo đúng các quy định trong nước, đưa ra hình thức phù hợp để hợp tác xử lý vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ngoài. 

Cùng với quá trình tham gia các diễn đàn về môi trường, Việt Nam đã có rất nhiều cải cách trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, các cam kết trong lĩnh vực môi trường về cơ bản là phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như điều kiện, hoàn cảnh và năng lực thực thi của Việt Nam. 

Thương mại điện tử: Không phân biệt đối xử sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu/phí nội địa đối với sản phẩm số

TPP đặt ra các yêu cầu chính là không phân biệt đối xử sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu/phí nội địa đối với sản phẩm số; Quyền truy cập, lưu chuyển thông tin trên Internet; Nếu không phải vì các mục tiêu công cộng chính đáng thì không yêu cầu đặt trang thiết bị (máy chủ) tại nước sở tại như là điều kiện để cấp phép đầu tư hay cung cấp dịch vụ. 

Mọi biện pháp quản lý Internet nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục vẫn được phép áp dụng.

Minh bạch hóa và chống tham nhũng: Các nguyên tắc như đăng tải mọi dự thảo pháp luật trên một trang thông tin điện tử duy nhất

Các nước TPP đưa ra nhiều nguyên tắc về tăng cường minh bạch hóa. Các nguyên tắc như đăng tải mọi dự thảo pháp luật trên một trang thông tin điện tử duy nhất, cho phép khu vực doanh nghiệp tham gia ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách. Đông thời TPP cho phép các đối tượng có quan tâm được đóng góp ý kiến vào các nội dung được thảo luận ở các Ủy ban của TPP trong tương lai.

Ngoài ra, các nước đồng ý đưa vào Chương Minh bạch hóa một số nguyên tắc của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà hầu hết các thành viên TPP (ngoại trừ Bru-nây) đã tham gia.

Ngoài những vấn đề quan trọng kể trên được đàm phán trong TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, cũng như các hiệp định FTA khác, Hiệp định TPP còn có nhiều quy định liên quan đến thương mại và đầu tư như. Cụ thể như quy định về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, các quy định về môi trường đầu tư, về bảo hộ đầu tư. Trong đó có việc cho phép nhà đầu tư được kiện chính phủ trong một số trường hợp đặc biệt như khi chính phủ tước đoạt tài sản của nhà đầu tư).

Tuy nhiên, quy định trong những lĩnh vực này của TPP là tương đồng với các hiệp định về thương mại - đầu tư khác mà ta đã ký hoặc với các quy định hiện hành của pháp luật.


 

Kiều Linh - Huyền Thương