Ngày 24 tháng 3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tiếp Ngài Mohamed Ismail Al Emadi – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ca-ta đến chào xã giao nhân dịp sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp với Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Năng lượng và Cục Xuất nhập khẩu.

Tại buổi tiếp, Đại sứ Mohamed Ismail Al Emadi gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dành thời gian tiếp và bày tỏ niềm vinh dự được nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng tới hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, năng lượng. Trước mắt, Đại sứ bày tỏ quan tâm tới một số dự án lớn đang kêu gọi đầu tư tại Việt Nam, nhất là tại trung tâm lớn như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, và mong muốn được Bộ Công Thương tạo điều kiện, hỗ trợ để phía Ca-ta có thể tham gia vào các dự án này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với phía Ca-ta, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng. Nhấn mạnh tới hoạt động quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước, Bộ trưởng khẳng định vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại; Bộ Công Thương hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp Ca-ta sang tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng, hạ tầng giao thông... tại Việt Nam; Bộ Công Thương sẽ gửi danh sách các dự án thích hợp để Đại sứ quán Ca-ta chuyển cho các đối tác quan tâm tìm hiểu.

Bộ trưởng chúc Ngài Mohamed Ismail Al Emadi  đạt được nhiều thành công trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và hy vọng Ngài Đại sứ sẽ đóng vai trò là cầu nối quan trọng, góp phần tích cực vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Ca-ta nói chung và giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các Bộ đối tác chuyên ngành của Ca-ta phụ trách các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và năng lượng  nói riêng.

Những năm gần đây, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ca-ta đứng ở mức trên 200 triệu USD. Mặc dù, kim ngạch trong năm 2016 có suy giảm so với 2015 nhưng hai bên vẫn còn nhiều cơ hội để thúc đẩy trao đổi thương mại. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ca-ta bao gồm: hàng hải sản, gạo, điện thoại di động và linh kiện, hàng rau quả, hạt tiêu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, linh kiện ô tô, máy móc thiết bị và phụ tùng... Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ca-ta mặt hàng khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại, sản phẩm hóa chất, quặng và khoáng sản, phân ure, hóa chất... Ngoài trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp cũng có nhiều triển vọng do các doanh nghiệp Ca-ta hiện nay đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Nguồn: Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công thương