Bản ghi nhớ được ký kết là cơ sở pháp lý đặt nền tảng về hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa hai nước, là một dấu mốc mới thể hiện mối quan hệ đặc biệt, vĩ đại giữa hai nước Việt Nam – Lào. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam - Lào khẳng định vai trò là cầu nối với các nước ASEAN và khu vực; phát huy tiềm năng và tận dụng lợi thế, thế mạnh của các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào trong hành lang kinh tế Đông Tây; góp phần nâng cao đời sống và tạo công ăn việc làm cho cư dân hai bên biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, ổn định tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
Với định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào đảm bảo phù hợp theo hướng hiện đại, bền vững; Trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế; Góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới; Tạo động lực cho các doanh nghiệp đến giao lưu thương mại, nội dung hợp tác bao gồm: Trao đổi thông tin về tình hình xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới của mỗi Bên; Hỗ trợ xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới hai Bên; Khuyến khích thương nhân Việt Nam và Lào đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới; Trao đổi kinh nghiệm về khuôn khổ pháp lý, kế hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Hợp tác phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân của hai Bên trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào và các nội dung khác do hai Bên thống nhất.
Bản ghi nhớ được triển khai tại 10 tỉnh biên giới của Việt Nam như Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum và 10 tỉnh biên giới của Lào như Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bo Ly Khăm Xay, Khăm Muồn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Xê Kông, Ắt Tạ Pư.
Bản ghi nhớ phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam và Lào; phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi Việt Nam và Lào là thành viên chính thức của WTO và tham gia Khu mậu dịch tự do ASEAN. Trong thời gian tới, cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương hai nước sẽ phối hợp triển khai Bản ghi nhớ sau khi hoàn thiện các thủ tục nội bộ theo quy định.