Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những kết quả đáng được ghi nhận.
Sau 6 năm diễn ra cuộc vận động, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi đáng kể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng dần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về các sản phẩm của Việt Nam.
Nói về công tác tuyên truyền, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của cuộc vận động, thời gian tới sẽ tập trung vào các hoạt động như: đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để người tiêu dùng trong nước biết.
Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội nhận thức đúng yêu cầu để thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại ông Vũ Hùng Sơn đã giới thiệu đến các cơ quan báo chí, truyền thông về Tuần nhận diện hàng Việt Nam năm 2015.
Đây là năm đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Tuần nhận diện hàng Việt. Mục tiêu của chương trình nhằm người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội để giới thiệu hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, nâng cao uy tín, mở rộng cơ hội sản xuất, tìm kiếm bạn hàng đối tác tại thị trường nội địa...
Theo đó, các hoạt động triển khai trong khuôn khổ chương trình Tuần nhận diện hàng Việt 2015 - Tự hào hàng Việt Nam được thực hiện đồng thời trên 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Kiều Linh