Bị bỏ quên
Theo số liệu Hiệp hội DNNVV Việt Nam, DNNVV có quy mô nhỏ bé dần (2,1% quy mô vừa, 28,8% quy mô nhỏ, 69,1% siêu nhỏ), phạm vi hoạt động hẹp, cơ cấu chưa hợp lý cả về ngành nghề… Trước mắt, khu vực DNNVV đối mặt với khả năng thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh ở một số lĩnh vực, tiếp tục hoạt động cầm chừng, thậm chí phải giải thể, phá sản.
TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, cho rằng nội lực của khối này không còn là những hạn chế nữa mà là vấn đề bức xúc. Sau nhiều năm,
tăng trưởng tín dụng cho DNNVV chỉ 25%-30%, đủ thấy DN thiếu vốn như thế nào.
Cũng nói về câu chuyện thiếu vốn, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết trường hợp DN có hợp đồng 75 triệu USD nhưng không vay vốn được vì không minh bạch về tài chính. Theo ông, lâu nay các DNNVV đang trong cuộc chơi không minh bạch, nếu DN minh bạch thì sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi nên câu hỏi đặt ra là trong thời gian tới, nhà nước có tạo được cơ chế cho DNNVV minh bạch hóa không?
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nhắc lại tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm 2009, ông đã đưa ra vấn đề phải xem phát triển DNNVV là chiến lược quốc gia trong tái cấu trúc nền kinh tế, rất tiếc chúng ta nói rất nhiều nhưng đến nay chưa xem DNNVV như một chiến lược. Các địa phương thích thu hút đầu tư là DN chứ không quan tâm DNNVV.
“20 năm trước, tôi đã nghiên cứu TP Atlanta của Mỹ. TP ấy có 2 tập đoàn lớn là Coca-Cola và CNN nhưng lại phát triển kinh tế dựa vào khu công nghiệp vừa và nhỏ với khoảng 6.000-7.000 DN. Hay như Đài Loan, ngay từ đầu, họ xác định mục tiêu phát triển là DNNVV trong nông nghiệp, công nghiệp và đã thành công, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo nên tầng lớp trung lưu ở Đài Loan như hiện nay” - TS Trần Du Lịch dẫn chứng.
Ba cái yếu
Số liệu thống kê cho thấy
khu vực DNNVV chiếm 97,6% tổng số DN cả nước, đóng góp 43,2% GDP, 61% việc làm và gần 30% ngân sách. Xét về tính hiệu quả, khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả gấp 2,3 lần DN nhà nước và tương đương khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này thể hiện tiềm năng, triển vọng của nó. Những năm gần đây, khối DNNVV bé dần nhưng đóng góp cho ngân sách vẫn tăng.
Theo TS Trần Du Lịch, DNNVV tuy nhỏ nhưng chưa chắc là yếu vì sự linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là lớp DN mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, khu vực này có 3 cái yếu cần được hỗ trợ:
khả năng tiếp cận thị trường; tự thân DN không giải quyết được công nghệ nếu DN lớn đặt hàng; không có khả năng tiếp cận vốn.
Đây là 3 cái yếu chung của DNNVV trên thế giới và đã được Đài Loan, Hàn Quốc giải quyết rốt ráo. Tại Việt Nam, nếu không giải quyết 3 điểm này thì DNNVV không phát triển được. Quốc hội đưa định hướng xây dựng luật hỗ trợ DNNVV vào chương trình làm luật năm 2016 là quá chậm.
Theo TS Tô Hoài Nam, cái chính là quan điểm nhận thức chưa đúng tầm. Đây là cản trở lớn nhất chi phối các chủ trương về DNNVV. Chúng ta nói về DNNVV rất nhiều nhưng chưa có chính sách nào coi họ là trung tâm và có hoạt động hỗ trợ cụ thể. Đến 98% chủ DNNVV không có nhu cầu trở thành DN lớn mà cần nhất là môi trường cạnh tranh thuận lợi để hoạt động hiệu quả hơn.
“Vì vậy, cần nhìn nhận thực tế hơn về vấn đề này để xây dựng chính sách theo hướng không nhất thiết phải buộc DNNVV lớn lên mà làm thế nào để tăng cường liên kết, từ liên kết đó tạo ra khối DN lớn. Bên cạnh đó, vai trò chủ trì đầu mối của cơ quan hỗ trợ cho DNNVV, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa phát huy được” - TS Tô Hoài Nam nói.
Chậm tái cấu trúc DN nhà nước
Theo TS Trần Du Lịch, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc cải cách DN nhà nước không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả của DN nhà nước mà còn đóng vai trò lan tỏa, phân bố, tạo điều kiện cho cộng đồng DN cả nước phát triển, kể cả DN tư nhân và DN FDI. Từ năm 1992 đến nay, gần 1/4 thế kỷ Việt Nam tiến hành sắp xếp lại DN nhà nước nhưng vẫn xem việc tái cấu trúc DN nhà nước là trọng tâm cần phải làm. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là tư duy cải cách.
Theo Thanh Nhân
Người lao động