Sáng nay (12/10), tại Hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 của Bộ Công thương, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, giá tôm Việt Nam hiện đang đắt hơn các nước khác khoảng 20%.

Ông Quang dẫn số liệu thống kê từ tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, giảm 28,4% so với cùng kỳ.

Riêng Minh Phú, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 371,6 triệu USD, giảm 29,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 47,9%, sang Nhật giảm 20%; sang Châu Âu giảm 18,5%.

Ông Quang chỉ ra nguyên nhân suy giảm là do đồng tiền Việt Nam có giá hơn các đồng tiền khác và các nước phá giá đồng tiền quá mạnh. Nhờ phá giá mạnh đồng tiền nên giá tôm từ các nước như Indonesia bán trên thị trường Mỹ "rẻ không tưởng tượng được", hàng ngập thị trường nên việc Việt Nam phá giá tiền đồng 2-3% cũng chẳng có tác động gì lớn. 

Chủ tịch HĐQT Minh Phú bày tỏ, các nước xuất khẩu vào Việt Nam thì được nhượng bộ nhiều loại thuế, có khi bằng 0% hoặc thấp hơn. Việt Nam nhập khẩu vào các nước đó, họ cũng nhượng bộ thuế nhưng lại giương cao hàng rào kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp như Minh Phú phải bỏ ra chi phí rất cao từ 10%, 20%, thậm chí 30% mới vượt qua được những rào cản đó, thay vì 3-4% như trước đây.

Do đó, ông Quang đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần có giải pháp cứng rắn trong quan hệ thương mại với các nước khác, phải có các động thái đấu tranh để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Nếu không, lợi thế của các Hiệp định sẽ bị mất đi.

Trên cơ sở những thông tin ông Quang đã chia sẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với ông bên lề Hội nghị.

PV: Trong phần phát biểu của mình, ông có nói tới một số điều luật của Việt Nam còn rắc rối, gây phiền hà. Ông có thể nói rõ điều này không?

Ông Lê Văn Quang: Luật Việt Nam vô cùng rắc tối, pháp lệnh, thông tư, nghị định chồng chéo và có khi quy định cả những thứ không thể làm được. Ví dụ, vừa rồi Bộ Lao động có Thông tư yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền lương cho người lao động trong tháng. Làm sao mà làm được? Chưa hết tháng không chấm công được, chưa quyết toán được thu chi thì trả kiều gì?

Hoặc tôi lấy một ví dụ khác, pháp lệnh quy định đối với ngành lao động độc hại, như ngành thủy sản thì phải bồi dưỡng cho người lao động bằng hiện vật, như 1 ký đường, 1 hộp sữa cho công nhân trong tháng. Nhưng chúng tôi quy ra tiền mặt để trả cho công nhân. Thế là vi phạm điều luật. Khách hàng đánh giá an sinh xã hội của Minh Phú không đúng luật, thế là họ không mua hàng. Thử hỏi, tháng nào cũng mua đường với sữa trả cho công nhân, họ có nhận không? Chẳng lẽ bây giờ hàng tháng chúng tôi cứ đi mua đường sữa cho công nhân?

Còn chuyện này nữa, ngành thủy sản có tính mùa vụ, tháng 5-6-7 là thời kỳ cao điểm, chúng tôi huy động công nhân làm thêm giờ. Luật nước ngoài quy định người lao động không làm quá 600 giờ/năm, nhưng Việt Nam thì quy định rất cụ thể 1 tuần không làm quá 7 giờ, 1 tháng không làm quá 30 giờ... rất chi tiết. 

Điều đó dẫn tới hệ lụy, trong tháng 5 vừa rồi, tôi nói với các anh em không được làm quá thời gian quy định nhé nhưng cuối cùng vẫn làm thêm 32 giờ/30 giờ. Khách hàng qua kiểm tra, chúng tôi không tuân thủ đúng, thế là rớt luôn điều kiện, không bán được hàng đi. Anh em công nhân thì kêu trời, tháng cao điểm không làm thêm giờ, không nhận tôm cho nông dân thì họ biết để tôm đi đâu? Đấy, một vấn đề rất đơn giản nhưng thành ra quy định luật lại gây khó khăn.

Vậy, ông có ý kiến đề xuất gì tới các Bộ ngành để khắc phục những tình trạng trên?

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp phải không ít thách thức. Tôi mong muốn Chính phủ có những hành lang pháp lý thông thoáng, chuẩn mực quốc tế để doanh nghiệp dễ dàng làm ăn, cần đấu tranh mạnh mẽ khi các nước khác vi phạm các điều luật. Chính phủ cũng phải sửa đổi các điều lệ, chính sách cho chuẩn mực để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn hỗ trợ doanh nghiệp.

Trở lại câu chuyện của Minh Phú, ông có thể cho biết số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm không?

Hiện tại, chúng tôi chưa có kết quả kinh doanh cụ thể nhưng hiệu quả kinh doanh tốt, không lỗ. Thực ra Minh Phú muốn có lời thì vẫn làm được, khi giá tôm lao dốc, người nuôi đã nuôi rồi, không bán cho Minh Phú thì bán cho ai, nhưng tôi muốn hỗ trợ người nông dân.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào để hạ giá thành nuôi? Chúng tôi đã nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và năm tới sẽ áp dụng, hi vọng đem lại kết quả khả quan.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Khổng Chiêm