Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ tỷ giá lên 3% vào hôm nay 19-8 được dự báo đem lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng cũng sẽ có những tác động không mong muốn cho doanh nghiệp nhập khẩu và cả giá cả hàng hóa.

Giá hàng hóa sẽ tăng nhưng từ từ

Từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức công bố điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá vào ngày 12-8 đến nay, hầu hết các hãng lắp ráp ô tô trong nước và các nhà nhập khẩu ô tô vẫn chưa có động thái cụ thể chính thức nào.

Các công ty Trường Hải (Thaco), Toyota Việt Nam, Euro Auto (BMW)… đều cho biết họ chưa điều chỉnh giá bán trong hơn một tuần qua.

Đến hết buổi sáng hôm nay (19-8), ngay sau khi NHNN công bố tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1%, và nới biên độ tỷ giá từ mức +/-2% hiện nay lên +/-3%, áp dụng từ 19-8, một số nhà kinh doanh và lắp ráp ô tô cũng chưa đưa ra thông tin về việc điều chỉnh giá bán.

Tuy nhiên trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online một số doanh nghiệp trong ngành này cho rằng với việc tỷ giá biến động như trên thì có khả năng các hãng ô tô sẽ họp để điều chỉnh giá bán trong thời gian rất ngắn sắp tới. Theo người này, không chỉ các nhà nhập khẩu sẽ điều chỉnh giá bán mà các liên doanh lắp ráp ô tô cũng phải điều chỉnh theo vì phần lớn linh phụ kiện lắp ráp ô tô trong nước là nhập khẩu.

Người này tin rằng trong vòng 3-4 ngày tới, các hãng lắp ráp và kinh doanh ô tô sẽ phải có quyết định về việc điều chỉnh giá bán xe ô tô và có khả năng giá bán ô tô có thể sẽ tăng từ 2-3%.

Trên thực tế sau hai lần can thiệp vào tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (ngày 12-8 và ngày 19-8) của NHNN thì đồng Việt Nam đã giảm giá khoảng 2,54% so với đô la Mỹ, đồng thời mất giá khoảng 2,7% so với euro. Do đó dự báo trên của doanh nghiệp này phần nào hợp lý.

Tuy nhiên, một nguồn tin của Euro Auto –nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe BMW và MINI của Đức cho rằng có khả năng sắp tới công ty sẽ không điều chỉnh giá bán xe vì điều chỉnh của NHNN hai lần qua chủ yếu ảnh hưởng đến tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ.

Nhận định về điều này, một nhà phân tích cho rằng nếu xét ở khía cạnh ngắn hạn trong hơn một tuần qua thì tiền đồng Việt Nam bị mất giá khoảng 2,7% so với đồng euro, nhưng nếu xét từ đầu năm 2015 đến nay thì đồng Việt Nam so với euro vẫn tăng giá 6,12%. Do đó, nếu những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ thị trường châu Âu từ đầu năm đến nay vẫn chưa điều chỉnh giá bán thì việc họ giữ nguyên giá bán hiện nay cũng dễ hiểu.

* Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu trái cây tại TPHCM cho biết, hiện tại tỷ giá đồng/đô la Mỹ đã tăng nhưng chưa ảnh hưởng đến giá nhập khẩu vì công ty vẫn đang vận chuyển đơn hàng cũ. Tuy nhiên, trong vòng 10-15 ngày nữa, với những đơn hàng, chuyến hàng mới, việc tăng tỷ giá đồng/đô la Mỹ chắc chắc sẽ làm tăng giá nhập khẩu các loại trái cây lên từ 5-10%. Theo đó, giá trái cây nhập khẩu bán tại thị trường trong nước sẽ tăng lên từ 5-10%.

Trong khi đó, ông Lưu Sơn Thủy, thành viên HĐQT Công ty CP DV-TM Kết Phát Thịnh tại Long An, đơn vị chuyên nhập khẩu bò Úc, cho biết, thời gian gần đây, do đồng đô la Mỹ lên giá, giá bò nhập khẩu nguyên con từ Úc về Việt Nam tăng, trong khi giá bò Úc bán tại thị trường nội địa thấp, vì vậy công ty Kết Phát Thịnh đã tạm ngưng nhập khẩu bò Úc.

“Chúng tôi dự định cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch sẽ nhập khẩu bò Úc trở lại nhưng hiện tại tỷ giá lại tăng thêm 1% như thế này thì chưa biết sắp tới có nhập khẩu lại không”, ông Thủy nói thêm.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food) cho biết, việc tăng tỷ giá thêm 1% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá nhập khẩu nguyên liệu cũng như giá thành một số sản phẩm cung cấp ở thị trường nội địa của công ty, bởi số lượng nguyên liệu Saigon Food nhập khẩu để chế biến các sản phẩm tiêu thụ trong nước trong mỗi tháng là khá lớn.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cụ thể như thế nào, tác động đến giá thành sản phẩm ra sao, theo bà Lâm, các thành viên công ty cũng chưa ngồi lại để tính toán chi tiết, cụ thể.

Ông Đinh Công Khương, Tổng giám đốc Công ty Thép Khương Mai chia sẻ, với đặc trưng của ngành thép, doanh nghiệp đã nhập hàng từ lâu hay mới đây đều chịu tác động của biến động tỷ giá. Cụ thể, nếu đã nhập hàng từ cách đây 6 tháng, hàng đã bán xong và vay nợ bằng tiền đô la Mỹ thì nay cầm chắc lỗ vì nay phải dùng nhiều tiền hơn để trả nợ. Còn nếu mới nhập hàng, tỷ giá mới thì giá đầu vào tăng thêm nhưng lại không thể tăng giá tương ứng vì giá thép vẫn liên tục xuống. Tư tháng 6 – 2014 đến nay, giá thép nhập khẩu đã giảm bình quân 200 đô la Mỹ/tấn, tương đương 40% so với trước đó.

Áp lực cho những công ty có nợ đô la Mỹ lớn

Theo Phòng Phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, động thái điều chỉnh biên độ và nâng tỷ giá của NHNN hôm nay chắc chắn sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, làm giảm thiểu đáng kể rủi ro nhập siêu, và góp phần bình ổn thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ lớn như Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã chứng khoán: VOS), Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship (mã: VNA), Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã: PVT), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã: NT2)... có thể bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng có nguồn thu ngoại tệ sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã: PVD).

Phân tích của công ty này cho thấy, diễn biến tỷ giá hiện nay gây bất lợi cho ngành vận tải biển do các khoản vay bằng ngoại tệ (chủ yếu là đô la Mỹ) lớn. Các công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức 0,87 lần, có công ty lên đến 3,7 lần. Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao có thể kể đến là VOS (2,2 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng đô la Mỹ tính tới 31-12-2014 là gần 167 triệu đô la Mỹ), VNA (3,7 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng đô la Mỹ tính tới 31-12-2014 là gần 27 triệu đô la Mỹ), PVT (1,2 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng đô la Mỹ tính tới 31-12-2014 là gần 147 triệu đô la Mỹ),…

Rủi ro tỷ giá vẫn còn, DN nên làm gì?

Theo Phòng Phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, động thái tăng tỷ giá và nới thêm biên độ tỷ giá của NHNN là bước đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá vẫn còn tồn tại và phụ thuộc rất lớn vào động thái tiếp theo của Trung Quốc. Hơn nữa, mức độ trượt giá của tiền đồng (VND) kể từ đầu năm vẫn chỉ ở mức trung bình so với khu vực.

Trong một thông cáo hôm 19-8, Ngân hàng ANZ cho rằng động thái hôm nay của NHNN tạo dự địa cho đồng Việt Nam  tiếp tục yếu thêm nữa mà không gây áp lực buộc NHNN phải can thiệp. Tuy nhiên, liệu dư địa này đã đủ cho từ nay đến cuối năm hay không thì còn phải chờ xem. Theo đó, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng NHNN sẽ có những chính sách tiếp theo, đặc biệt nếu đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh thêm nữa. Động thái hôm nay cho thấy NHNN khá chủ động và sẽ tiếp tục như thế nữa nếu cần thiết.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, với động thái hôm 19-8, NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.

Ông Hải cho rằng, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá (đô la Mỹ - PV) vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng nhân dân tệ sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại.

“Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN. Thực tế đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất và do đó đẩy đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai”, ông Hải cho biết.

Về xuất khẩu, ông Hải cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu. Về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam.

Một số doanh nghiệp cho biết đã chủ động phòng trừ rủi ro tỷ giá bằng một số biện pháp.

Ông Lê Thanh Nhân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Kim Châu cho biết, từ nhiều tháng qua, doanh nghiệp đã chuyển sang nhận nợ, thanh toán với ngân hàng bằng tiền đồng để phòng trường hợp tỷ giá lên cao. “Nếu có chuyện gì xảy ra, tiền đồng thì còn dễ xoay xở”, ông Nhân nói.

Theo Nhóm phóng viên
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG