Hôm 7/8 vừa qua, tập đoàn xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới là Fonterra của New Zealand đã cho biết giá mà họ sẽ trả cho 1 lít sữa từ nông dân trong vòng 9 tháng tới là 2,55 USD. Con số này bằng chưa tới 1/2 mức giá 5,5 USD hồi 2 năm trước đây, và chắc chắn sẽ khiến cho nhiều nông trại sữa bò ở New Zealand bị thua lỗ nặng, khi họ chỉ có thể hoàn vốn ở mức giá 3,27 USD.
1. Sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc
Do đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã bị chậm lại trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sữa của nước này cũng đã bị sụt giảm đáng kể: Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng sữa mà Trung Quốc nhập từ New Zealand đã giảm tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành sữa New Zealand, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định giảm giá mua đầu vào của Fonterra.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách thúc đẩy sản xuất sữa trong nước để bớt lệ thuộc vào nhập khẩu. Tại thành phố Mẫu Đơn Giang gần biên giới Nga-Trung, một nông trại mới có sức chứa tới 100.000 con bò sữa đang được xây dựng.
2. EU bãi bỏ quota sản xuất sữa
Ngày 31/3 năm nay, Liên minh Châu Âu EU đã chính thức dỡ bỏ quota sản xuất sữa của các nước thành viên. Trong vòng 5 năm trước khi bỏ quota, sản lượng sữa tại EU cũng đã tăng tới 45%, và điều này chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu trong ngành sữa thế giới. Trong năm nay, lượng sữa xuất khẩu từ EU được dự báo là sẽ tăng tới 73% so với năm 2012.
Hiện tại, các nông dân nuôi bò sữa tại Pháp và Bỉ đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình để yêu cầu chính phủ nước họ hạn chế nhập khẩu từ các quốc gia khác trong EU, hoặc đòi hỏi EU phải có biện pháp can thiệp dưới dạng bảo hộ hoặc trợ cấp. Tại Anh và Ireland, nhiều người cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thua lỗ của các nông trại bò sữa trong tình hình giá cả xuống thấp như hiện nay.
3. Nga trả đũa cấm vận của EU
Nga vốn là một trong những nước nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới và từng là khách hàng lớn nhất của ngành sữa EU. Tuy nhiên, việc EU áp dụng một loạt các đòn trừng phạt tài chính lên Nga do các mâu thuẫn quanh vấn đề Ukraina đã khiến Nga trả đũa lại bằng cách ngưng nhập khẩu sữa từ EU lẫn các nước ủng hộ EU như Úc và New Zealand. Điều này đã làm thu hẹp đáng kể đầu ra của ngành sữa các nước kể trên.
Trong khi đó, ngành sản xuất sữa của Nga cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng trong nước để đáp ứng được 78% nhu cầu vào năm 2020, thay cho mức 66,5% như hiện tại.
Theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng sữa toàn cầu sẽ tiếp tục tăng gần 2% trong năm 2016. Xem ra, tình trạng cung vượt cầu trong ngành sữa tạm thời vẫn chưa có lối thoát.
Theo Tuấn Minh
The Economist/Nhịp cầu đầu tư