Trước những ưu đãi và điều kiện kinh doanh mà các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đề ra, đặc biệt là những quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngành dệt may, hàng loạt dự án về dệt sợi của các DN trong và ngoài nước đã được xúc tiến đầu tư, nhanh chóng đi vào hoạt động.
Dự án “khủng”
Theo thống kê về tình hình đầu tư nước ngoài từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn các dự án đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỷ USD nhưng đầu tư vào ngành dệt may đã chiếm tới hơn 1,12 tỷ USD. Đáng chú ý nhất, 2 trong 3 dự án lớn tiêu biểu đều nhằm xây dựng nhà máy dệt, sợi, vải: Dự án Công ty sản xuất, gia công sợi Hyosung Đồng Nai của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD; dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD do nhà đầu tư Hồng Kông tại Tây Ninh.
Còn đối với các DN trong nước, để bắt kịp xu hướng trên và nâng cao sức cạnh tranh, nhiều DN lớn cũng đã có những nỗ lực để đầu tư nhà máy sản xuất bông vải sợi.
Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ liên doanh với Công ty Uni Industrial & Investment Corporation đầu tư hơn 90 triệu USD để thành lập Công ty Cổ phần sợi, dệt nhuộm Unitex và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi, vải, dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (Tây Ninh). Khi đi vào vận hành, ước tính, mỗi năm nhà máy có khả năng sản xuất 15 triệu kg xơ, sợi và 12 triệu kg vải thành phẩm, các loại dây bện và lưới.
Bên cạnh đó là dự án đầu tư dây chuyền kéo sợi, trang thiết bị cho nhà máy sợi Fortex 6 lên đến 40 triệu USD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex). Dự kiến khi nhà máy này đi vào hoạt động từ quý I-2016 sẽ giúp Fortex tăng doanh thu từ 30–40%. Nói về mục đích của việc đầu tư, đa phần các chủ DN đều cho rằng, việc “mạnh tay” đầu tư cho dệt sợi là để đón đầu Hiệp định TPP và tận dụng những ưu đãi về XNK của hàng loạt FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết.
Cũng về vấn đề này, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trước cơ hội và thách thức từ FTA, Nhà nước kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đối với lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, dệt nhuộm nên các DN đã đầu tư nhiều dự án cả về số lượng và chất lượng. Còn đối với các DN trong nước, hiện cũng đã có một số nhà máy sản xuất từ sợi nhưng quy mô nhỏ, chỉ một số DN như Thành Công, Dệt 8/3, Dệt Nam Định... đã nhen nhóm thực hiện được điều này.
Hiệu quả
Theo thống kê của VITAS, tình hình NK xơ, sợi và vải nguyên liệu của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2015 vẫn tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, con số về tình hình XK các mặt hàng này lại đang cho thấy một tín hiệu rất lạc quan, khi 5 tháng đầu năm 2015, XK xơ, sợi dệt của Việt Nam ước đạt 381 ngàn tấn, trị giá 1,015 triệu USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Hơn nữa, thị trường XK xơ sợi của Việt Nam lớn nhất lại là Trung Quốc (chiếm 44% tổng kim ngạch XK), sau đó là Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Kỳ vọng về các dự án dệt sợi, theo ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP may XK Việt Thái, nguồn nguyên liệt dệt may đến từ Trung Quốc chiếm 60-70% trong khi Trung Quốc lại không thuộc khối TPP nên sẽ vi phạm yêu cầu “xuất xứ từ sợi” của TPP, chính vì thế, với sự đầu tư vào dệt sợi nhiều như hiện nay, các DN đều hy vọng tình hình sẽ có cải thiện đáng kể.
Trên thực tế, để giữ thị trường nguyên liệu tại Việt Nam nếu vào TPP, các DN Trung Quốc đã rất nhanh nhạy khi rất nhiều dự án đầu tư hoặc hợp tác liên doanh, liên kết giữa Việt Nam với Trung Quốc được thực hiện. Điều này tạo ra rất nhiều hy vọng cho DN về một thị trường nguyên phụ liệu đa dạng hơn ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, vị Tổng thư ký VITAS cho rằng, Việt Nam tuy thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, tình hình XNK có tiến triển nhưng tùy theo nhu cầu thị trường mà các DN dệt sợi có thể không đáp ứng được 100%.
Nguyên nhân của vấn đề trên là do nhiều DN dệt may tỏ ra không mấy quan tâm về các dự án dệt sợi. Các DN này cho biết, đa phần đơn hàng làm gia công, mọi khâu từ nguyên phụ liệu, vải sợi, thiết kế đều được phía khách hàng chỉ định. Do đó, nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của không chỉ riêng ngành sợi, vải, các DN dệt may cần thay đổi nhận thức, tìm cách chuyển hướng thoát “bóng” gia công để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm XK. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề còn tồn tại nhiều khó khăn.