Tại hội nghị “Xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái” được tổ chức tại Bến Tre ngày 30-11, ông Võ Hữu Thoại, Viện phó Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho rằng canh tác cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt - GAP nhận được sự quan tâm đặc biệt của nông dân nhằm cung cấp sản phẩm phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích vườn cây ăn trái đạt chứng nhận GAP vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,39% diện tích cây ăn trái của ĐBSCL (288.500 héc ta), tính đến hết tháng 8-2015.
Theo ông Thoại, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 401 héc ta; kế đến là Bến Tre với 218 héc ta; Hậu Giang, Long An và Đồng Tháp lần lượt đạt 123, 121,6 và 120,6 héc ta. Địa phương có diện tích đạt chứng nhận GAP nhỏ nhất ở ĐBSCL là thành phố Cần Thơ với 12 héc ta.
Như thế, trong ba năm qua, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL đạt chứng nhận GAP chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, và với tốc độ phát triển như vậy - tức cứ 12 năm mới có được 1% diện tích cây ăn trái của ĐBSCL đạt chứng nhận GAP - thì một “phép tính vui” cho thấy phải mất đến 1.200 năm để 100% diện tích cây ăn trái của vùng này đạt tiêu chuẩn GAP.
Cụ thể, nếu như năm 2011 kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước chỉ đạt hơn 630 triệu đô la Mỹ (trong đó kim ngạch xuất khẩu cây ăn trái đóng góp khoảng 70%), thì đến năm 2013 con số này đã vượt 1 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2014 đạt xấp xỉ 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2015 đã vượt 1,5 tỉ đô la Mỹ và dự báo cả năm nay có thể đạt đến xấp xỉ 2 tỉ đô la Mỹ.
Việc duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây của ĐBSCL có liên quan mật thiết với việc tăng diện tích vườn cây đạt chứng nhận GAP song cho đến nay mối liên hệ này dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Trung Chánh - thesaigontimes.vn