Theo Nikkei Asia, thị trường hàng hóa toàn cầu đang chịu sức ép từ hai hướng. Một mặt, nhu cầu bùng nổ khi các các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Một mặt khác, nguồn cung hàng hóa đang chịu sức ép từ các yếu tố địa chính trị.
PHẢN ỨNG DÂY CHUYỀN TRÊN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Chỉ số Refinitiv CoreCommodity CRB Index - thước đo tổng hợp giá cả của 22 loại hàng hóa chính, đã tăng tới 46% trong 12 tháng tính tới hết tháng 1/2022. Đây là mức tăng trong một năm lớn nhất kể từ năm 1995 – thời điểm dữ liệu này bắt đầu được công bố.
Giá cả hàng loạt mặt hàng đang tăng mạnh, đặc biệt là dầu thô và những loại nhiên liệu khác. Trong số 22 mặt hàng chính, 9 mặt hàng tăng hơn 50%, trong đó cà phê (tăng 91%), bông (tăng 58%), nhôm (tăng 53%).
Trong khi đó, giá dầu thô giao sau tại thị trường London và New York hiện đang trong khoảng 90-91 USD/thùng, tăng mạnh từ mức dưới 80 USD/thùng vào thời điểm đầu năm. Giá dầu đang được hỗ trợ bởi căng thẳng tiếp diễn ở Vùng Vịnh – nơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục hứng những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen – và ở châu Âu, nơi Nga tập trung hàng trăm nghìn quân ở biên giới Ukraine. Thậm chí, chiến lược gia Natasha Kaneva của JPMorgan Chase cho rằng một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể đẩy giá dầu vọt lên 120 USD/thùng.

Căng thẳng Nga - Ukraine gây áp lực lớn tới giá dầu - Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, dù nhu cầu dầu thô tăng lên, đầu tư cho sản xuất lại bị hãm lại do các kế hoạch liên quan tới mục tiêu trung hòa carbon của các nền kinh tế. Cùng với đó, gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động càng làm tăng thêm áp lực cho cán cân cung cầu.
Sức ép trên thị trường hàng hóa đã gây ra một loạt phản ứng dây chuyền trên thị trường. Các nhà máy luyện nhôm vốn sử dụng lượng điện năng khổng lồ đã buộc phải cắt giảm sản lượng do chi phí sản xuất tăng, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung kim loại. Giá khí đốt tự nhiên tăng đã đẩy giá amoniac - một thành phần chính của phân bón - lên cao, dẫn tới giá ngũ cốc tăng mạnh.
Giá cả hàng hóa tăng cao đang gây áp lực lớn tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nếu giá năng lượng tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt 0,5 điểm phần trăm.
Tình trạng này gây ra thách thức nghiêm trọng với các quốc gia ít tài nguyên như Nhật Bản. Theo hãng nghiên cứu Mizuho Research & Technologies, chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô trong năm tình khóa kết thúc vào tháng 3/2022 ước tính tăng khoảng 10.000 tỷ Yên (tương đương 86,7 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, Mỹ cùng nhiều quốc gia đang ráo riết siết chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với lạm phát. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Hiroshi Ugai của JPMorgan Securities Nhật Bản cho rằng không dễ kể để kiểm soát lạm phát bắt nguồn từ cú sốc nguồn cung bằng các chính sách tiền tệ.
NGUY CƠ BẤT ỔN
Ngày càng nhiều người quan ngại về những tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đối với sự ổn định chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nhập khẩu 70% năng lượng tiêu thụ trương nước, chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 49% trong 12 tháng tính tới tháng 1/2022. Từ đầu tháng 2, nước này trải qua làn sóng biểu tình đòi tăng lương cũng như phản đối giá năng lượng tăng của người lao động.
Năm 2019, trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 47 nơi phụ thuộc vào nhập khẩu cho hơn 50% nhu cầu năng lượng nội địa, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Từ đầu năm nay, quốc gia Trung Á Kazakhstan đang chứng kiến sự hỗn loạn bởi làn sóng biểu tình phản đối giá khí hóa lỏng tăng cao.
Giá hàng hóa leo thang cũng khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Tại Thái Lan, giá thịt lợn đã tăng khoảng 50% trong tháng 11, 12/2021 và tháng 1/2022. Thịt lợn, loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại quốc gia Đông Nam Á này, tăng giá mạnh do giá cả các loại thực phẩm chăn nuôi như ngô và đầu tương leo thang.
Trong khi đó, một số quốc gia giàu tài nguyên như Indonesia đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu, trước tiên với than đá và sau đó là dầu cọ - nguyên liệu dùng trong nhiều loại thực phẩm và hàng tiêu dùng. Theo các nhà phân tích, "chủ nghĩa dân tộc tài nguyên" – trong đó một quốc gia coi trọng tài nguyên nội tại để mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước – đang trở thành một nhân tố mới gây áp lực lên giá cả hàng hóa toàn cầu.

Nguồn: Ngọc Trang / VnEconomy