Sản lượng vải thiều năm 2015 dự kiến đạt khoảng 250.000 tấn. Tình hình tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vải vụ năm nay tiến triển khá thuận lợi.

Sản lượng

Theo dự báo, niên vụ vải thiều năm 2015 có tổng sản lượng vải tươi ước đạt khoảng 250.000 tấn quả tươi. Trong đó, tỉnh Bắc Giang là tỉnh có sản lượng lớn nhất, ước đạt 160.000 tấn, còn lại sản lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh Hải Dương.

Dự báo với sản lượng này, 60% sản lượng vải, chủ yếu dưới dạng quả tươi, sẽ được tiêu thụ trong nước, và xuất khẩu khoảng 40%.

Số lượng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP của tỉnh đạt gần 1.000 tấn đủ xuất đi các thị trường cao cấp.

Tiêu thụ trong nước thuận lợi

Với dự báo hơn 130.000 tấn vải thiều được tiêu thụ, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng vải thiều năm 2015, thị trường nội địa là một trong những thị trường quan trọng, tiềm năng và nhu cầu rất lớn. Thị trường tiêu thụ vải sẽ được bao phủ rộng khắp toàn quốc, trong đó tập trung nhiều tại các địa phương phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong đó thị trường tiêu thụ phía Nam đạt khoảng 80.000 tấn, chiếm khoảng 40% sản lượng vải thiều cả nước.

Thị trường xuất khẩu sôi động

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, xuất khẩu vải thiều năm nay diễn biến khá thuận lợi.

Thị trường Trung Quốc:
Từ giữa tháng 5 tới trung tuần tháng 6, hơn 13 nghìn tấn vải với tổng giá trị trên 6,5 triệu USD đã được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 800 tấn vải được xuất đi. Trong vụ này chưa xuất hiện tình trạng các xe chở vải ùn tắc tại cửa khẩu như những năm trước.

Xuất khẩu sang những thị trường mới thuận lợi:
Năm nay, thị trường quốc tế mở rộng hơn, các doanh nghiệp đặt hàng nhiều, thậm chí đến tận nơi khảo sát, kí hợp đồng.

Trong ngày 2-6, Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang đã ký biên bản ghi nhớ cam kết với đại diện 6 nước trên thế giới nhằm đưa vải thiều Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lên khoảng 50.000- 100.000 tấn vải/ năm.

Thị trường Mỹ: Sáng 3-6, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết lô vải thiều đầu tiên đã được Công ty Ánh Dương Sao xuất khẩu đi Mỹ (1 tấn) đã đến nơi an toàn và được nhà nhập khẩu đánh giá chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Cùng thời gian này, Công ty Rồng Đỏ cũng xuất vải đi Mỹ, Úc và thị trường Liên minh Châu Âu (EU).

Hiện Việt Nam có 17 nhà máy đóng gói trái cây tươi được Mỹ cấp mã số nhưng toàn bộ đều ở phía Nam nên các nhà xuất khẩu vải phải vận chuyển nguyên liệu bằng máy bay vào TP HCM để sơ chế, đóng gói và chiếu xạ mất nhiều thời gian và chi phí.

Mới đây, Công ty Rồng Đỏ đã xúc tiến xây dựng cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn của Mỹ tại tỉnh Hải Dương. Doanh nghiệp xuất khẩu vải sau khi mua nguyên liệu sẽ tiến hành sơ chế, đóng gói ngay tại Hải Dương, sau đó mới vận chuyển bằng xe lạnh vào TP HCM để chiếu xạ trước khi xuất khẩu đi Mỹ, Úc.

Thị trường Canada: Tối 10/6 lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada bằng đường hàng không. Ông Rex Yu, đại diện Công ty Manley Sales nhập khẩu vải Việt Nam, cho biết để có thể vào được thị trường Canada, quả vải của Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu và những yêu cầu của Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA).

Tiềm năng của mặt hàng vải quả của Việt Nam tại Canada là có triển vọng, nhưng khó khăn trước mắt là giá vận chuyển quá cao, nên khiến giá bán của vải Việt Nam tại Canada cũng bị đẩy lên cao. Thị trường Canada rất có ý thức về giá cả, nên ai có hàng hóa chất lượng tốt và giá rẻ thì sẽ bán được hàng.

Lô hàng vải thiều Việt Nam, do được vận chuyển bằng đường hàng không, chỉ mất 2-3 ngày đi đường nên tươi ngon hơn các sản phẩm cùng loại, nên giá lên tới hơn 18 CAD/1kg. Trong khi quả vải của Trung Quốc có vỏ quả đã bị khô và thâm, có giá bán 5,98-7,98 CAD/1kg. Vải tươi của Thái Lan, tuy giá cao hơn nhưng cũng chưa đến 18 CAD/kg, lại có trái to gấp ba lần so với hàng của Việt Nam và Trung Quốc và vỏ đỏ đẹp, không bị thâm.

Lý do khiến sản phẩm vải quả của các nước vào Canada có chất lượng thấp hơn và giá bán rẻ hơn là chúng được vận chuyển bằng đường biển, mất từ 3-4 tuần. có thể trên khắp Canada từ tỉnh British Comlumbia ở bờ Tây cho tới tỉnh Quebec ở bờ Đông trong vòng một tuần. Kế hoạch nhập khẩu vải Việt Nam tiếp theo của công ty còn tùy thuộc vào việc đối tác Việt Nam có hàng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Canada và giảm được giá vận chuyển để tăng tính cạnh tranh hay không.

Để người tiêu dùng Canada lựa chọn và yêu mến quả vải Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải giảm được giá bán, bởi một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của vải Việt Nam là mặt hàng vải từ Mexico, cũng tươi ngon do lợi thế rất lớn về sự gần gũi địa lý. Ông Yu hy vọng mặt hàng vải Việt Nam có thể giành được thị phần tại Canada, giống như mặt hàng thanh long và nhãn tươi Việt Nam mà công ty ông đang nhập khẩu.

Lô vải thiều đầu tiên tới Canada là dấu mốc rất quan trọng cho việc xâm nhập thị trường của sản phẩm vải thiều cũng như hoa quả tươi nhiệt đới của Việt Nam sang Canada.

Thị trường Pháp: Ngày 4/6 lô vải thiều đầu tiên với gần 600 kg đến Pháp và đã được bán hết trong vòng chưa đầy 3 ngày. Lô thứ hai có trọng lượng tương đương đến sau một tuần và hiện cũng đang được tiêu thụ rất tốt. Với mức tiêu thụ như vậy, tổng trọng lượng vải thiều nhập khẩu vào Pháp trong vụ mùa này là 2-3 tấn. Quả vải được bán với giá 9,9 euro/kg. Giá này khá cao so với các loại trái cây trồng trên đất Pháp hoặc nhập khẩu từ các nước lân cận như: táo, dưa vàng, mơ, mận, cam, quýt.

Qua tìm hiểu, được biết vải là một loại trái cây được người tiêu dùng Pháp ưa thích. Vải bán trong các siêu thị tại Pháp được nhập từ Nam Phi và Madagascar, tuy nhiên, chất lượng thì không thể so sánh với quả vải Việt Nam. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu quả vải sang Pháp không hề dễ do những yêu cầu kỹ thuật về xử lý và bảo quản cộng với cước phí vận chuyển cao do khoảng cách địa lý.
Liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu ở Mỹ yêu cầu để được nhập khẩu là hoa quả phải chiếu xạ thì ở các nước châu Âu có quy định chung là phải được xử lý xông hơi lưu huỳnh để diệt các loại sâu bọ.
Thị trường Malaysia: Người dân Malaysia lần đầu tiên biết đến quả vải thiều của Việt Nam đã vô cùng ngạc nhiên bởi trước đó họ chỉ được biết đến vải thiều từ Trung Quốc và Thái Lan. 1,5 tấn vải thiều đã được bán hết trong đợt này và người dân vẫn còn nhu cầu mua tiếp. Với giá khuyến mãi là 10 Ringgit, tương đương 60.000 đồng/kg, được cho là cạnh tranh so với giá 16 Ringgit/kg của sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan.

Thị trường Australia: Những lô hàng đầu tiên đã tới Melbourne vào ngày 12/6/2015 và đã nhanh chóng được chuyển đến các cửa hàng ở Australia...

Được biết ở Australia cũng có trồng vải nhưng thời điểm vải Australia vào mùa vụ trái thời gian với mùa vải Việt Nam. Lô hàng vải tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang Australia là 3 container vận chuyển hàng không có tổng trọng lượng 3 tấn.

Việc hoàn tất các điều kiện và thủ tục nhập khẩu trái vài tươi vào Australia là tập hợp của rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận của Cục BVTV Việt Nam, ngành trồng vải của Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Australlia.

Như vậy là sau 12 năm đàm phán, cuối cùng trái vải của Việt Nam cũng đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Australia. Tuy thời gian cấp phép ngay sát với thời điểm thu hoạch nhưng với sự nỗ lực của các DN và các cơ quan chức năng, những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đã vượt qua được các khâu kiểm dịch khắt khe và có mặt tại các siêu thị của Australia.

Còn đó những khó khăn

Trái vải Việt Nam bước đầu đã vào được những thị trường khó tính, nhưng đây mới chỉ là thành cong bước đầu. Các cơ quan chức năng nhận định, để chiếm lĩnh các thị trường khó tính thì phải mất ít nhất từ 5 đến 8 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Dù đã được “mở cửa” song Mỹ, Australia hay châu Âu là những thị trường rất chặt chẽ và khó tính trong việc kiểm định chất lượng hàng hóa. Chính vì vậy, xuất khẩu sang những thị trường này không thể kỳ vọng giải quyết thị trường cho quả vải trong 1 - 2 năm tới.

Các thị trường Mỹ, Australia hay châu Âu có những quy chuẩn ngặt nghèo, sự chặt chẽ và khó tính trong quy trình làm thủ tục nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản. Nhập khẩu hoa quả theo đường chính ngạch phải qua các khâu kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, quy trình xuất xứ, đóng gói rất nghiêm ngặt... Trên thực tế, từ việc có được sự chấp thuận đến việc đưa thành công hàng hóa vào thị trường các nước phát triển không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực lớn trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, đảm bảo chất lượng...

Minh Hiền
Tạp chí Ngoại thương số 12
Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công thương (VITIC)


Nguồn: Tạp chí Ngoại thương số 12