Đây cũng là mức giảm đầu tiên trong 4 năm do lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, mức giảm nói trên đã phản ánh lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm hải sản từ Nhật Bản, sau khi Tokyo quyết định xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển hồi tháng 8/2023.
Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm 43,8%, xuống còn 78,4 tỷ yen (526 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu sò điệp giảm xuống còn 0, từ mức 22,3 tỷ yen (149 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sò điệp tìm đến các thị trường mới, tuy nhiên điều này không thể bù đắp lại cho doanh số bán hàng bị giảm tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) giảm, lượng hàng xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực khác tăng 14,3% do được hỗ trợ bởi nhu cầu cao hơn, không chỉ trong ngành bán lẻ mà còn trong ngành nhà hàng. Đồng yen yếu cũng đã góp phần vào việc tăng nhu cầu mạnh mẽ hơn, khi các sản phẩm của Nhật Bản có giá rẻ hơn ở nước ngoài.
Dữ liệu cho thấy Mỹ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản, khi sức mua đã tăng 19,9% lên 115,6 tỷ yen (775 triệu USD), nhờ các mặt hàng như sò điệp, rượu sake hay các sản phẩm khác.
Vùng lãnh thổ Hong Kong đứng thứ hai, giảm 10,5% xuống 103,2 tỷ yen (692 triệu USD), tiếp theo là Trung Quốc - nước đã tụt hạng từ vị trí dẫn đầu vào năm ngoái.
Xét về các mặt hàng, xuất khẩu gia vị tăng vọt 21,9% lên 29,8 tỷ yen (200 triệu USD) khi thực phẩm Nhật Bản ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu thịt bò, thịt gà, gạo và táo đạt mức cao kỷ lục kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 2002, trong khi trà xanh tăng vọt 36,8% lên 15,9 tỷ yen (106 triệu USD).

Nguồn: Linh Tô/BNEWS/TTXVN