“Việc ký kết và tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm môi trường cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng khốc liệt, làm bộc lộ rõ những yếu kém về giá thành sản phẩm của lĩnh vực này,” Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNPTNT) Vũ Văn Tám phát biểu khai mạc Hội thảo thường niên mía đường quốc tế lần thứ ba do Tập đoàn Thành Thành Công tổ chức tại Nha Trang ngày 16-7-2015 với sự tham dự của 200 khách mời quốc tế, trong nước.

Từ thế giới

Từ các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp đến các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho mía đường như phân bón, giống đều khẳng định sự phát triển của công nghệ đang thay đổi nhanh bộ mặt của lĩnh vực nông nghiệp này.

“Ở Brazil ngành đường đã chuyển hoá thành ngành năng lượng nông nghiệp, đóng góp 15% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, từ bioethanol đến phát điện, nhiệt điện, điện sinh học (bioelectricity). Sự dẫn đầu ngành mía đường thế giới của Brazil đạt được nhờ giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả cả ở nông nghiệp, công nghiệp,” tiến sĩ Raffaella Rossetta, Trung tâm nghiên cứu kĩ thuật kinh doanh nông nghiệp  Sao Paulo (Sugarcane Center, Research station Sao Paulo State Goverment, Brazil), cho biết tại hội thảo, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập Asean”.

Đồng tình với xu hướng phát triển này, ông Rangsit Hiangrat, tổng giám đốc Công ty sản xuất mía đường Thái Lan (Thai Suger Millers Corp, Ltd), nhấn mạnh: “Ngành đường Thái Lan có khả năng tạo thêm doanh thu từ bioethanol và điện.”

Nhưng ông cũng lo lắng ngành mía đường của Thái Lan, hiện đứng trong tốp 5 các nước sản xuất đường nhiều nhất thế giới, đang đứng trước thách thức lớn.

“Sự suy thoái của ngành, bên cạnh đó là sự giảm giá dần của đồng tiền Brazil sẽ làm suy yếu vị thế cạnh tranh của đường Thái,” ông nói.

Chính phủ Thái, theo ông Rangsit Hiangrat, đã có những biện pháp hỗ trợ nông dân như giá bán đường cố định trong nước ở mức 23baht/kg; phân bổ hạn ngạch sản xuất đến từng nhà máy; chia sẻ lợi nhuận giữa người trồng mía/các nhà máy là 70/30, và lập quỹ mía đường từ các nguồn như nông trường mía, người trồng + nhà máy chế biến + Chính phủ.

Trong khi đó, Philippines đã xây dựng các chương trình trọng điểm cho ngành mía đường do Tổng thống nước này ký ban hành tháng 3-2015, theo lời ông Archie B. Amarra, phó tổng giám đốc điều hành của Roxas Holdings Inc. Các chương trình này tập trung vào phân bổ ngân sách 2 tỉ Peso cho năm 2016 nhằm cải thiện hạ tầng đường sá vận chuyển mía từ nơi trồng về nhà máy chế biến, nâng cấp các nhà máy hiện tại...    

Công nghệ trồng mía, chế biến đường và các sản phẩm đi kèm cũng được Chính phủ hỗ trợ và được bảo hộ ở các quốc gia nhập khẩu nhiều đường như Trung Quốc, Sri-Lanka. Giáo sư Yang Rui Li, Viện nghiên cứu mía đường Quảng Tây, cho biết nhập khẩu đường ngày càng gia tăng ở Trung Quốc do nhu cầu tiêu thụ cao và mức chênh lệch giữa giá đường ở nội địa và đường nhập khẩu.

...đến Việt Nam

Trong khi các diễn giả thế giới tỏ ra lạc quan về ngành mía đường, đại diện Hiệp hội mía đường và các doanh nghiệp Việt tỏ ra âu lo – sự âu lo bắt nguồn từ thực trạng thiếu sức cạnh tranh của ngành. Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Thành Thành Công, nói: “Ba năm qua ngành mía đường đi vào chu kỳ giảm giá trùng. Năm 2018 thuế nhập khẩu đường sẽ chỉ còn 5% theo cam kết của các nước Asean. Chỉ có quản trị doanh nghiệp tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật, kiện toàn công tác nông nghiệp như tưới tiêu, thí điểm cánh đồng mẫu lớn, cải tạo giống mía, mới có thể giúp đường Việt Nam nâng sức cạnh tranh”.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Mía đường, phác thảo một bức tranh không mấy sáng sủa về thực trạng ngành: giá bán buôn đường tại các nhà máy khoảng 11.000 – 15.000 đồng/kg trong khi giá bán lẻ ngoài thị trường tuỳ nơi từ 13.000 – 18.000 đồng/kg, còn đường nhập lậu tại biên giới giá rẻ hơn 1.000-3.000 đồng/kg.

Đường nhập lậu và gian lận thương mại năm ngoái lên đến con số ước tính nửa triệu tấn, theo ông Long.

Ông kể, tháng 2-2015 các lực lượng chức năng đã bắt được trùm buôn lậu đường, nhờ thế mà đường nhập lậu có yếu đi. Nhưng chi tiết này không phải là “điều kỳ diệu” để cứu mía đường.

Ông Long kết luận: “Ngành mía đường Việt Nam đang yếu thế trên mọi mặt. Nếu tiếp tục thủng thẳng mà đi thì không thể hội nhập quốc tế. Các nước đang bảo hộ mạnh mẽ ngành đường của họ. Còn ngành mía đường Việt Nam thiếu nhạc trưởng. Một dàn nhạc mà thiếu nhạc trưởng thì không biết các nhạc công sẽ chơi như thế nào.” Ông Long đề nghị Chính phủ phải là nhạc trưởng và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Dương, đại diện Cục Nông lâm thuỷ sản và nghề muối, cho biết Bộ NNPTNT đang soạn thảo Nghị định về sản xuất, kinh doanh mía đường và tháng 9 tới đây sẽ trình Chính phủ. Liệu bộ khung pháp lý mới có đủ sức tháo gỡ khó khăn cho mía đường?

Các doanh nghiệp như Công ty phân bón Việt – Nhật, Công ty phân bón miền Nam, các nhà kỹ thuật như Amada Vietnam (Amada là tập đoàn Israel cung cấp giải pháp bảo vệ mùa màng) chuyên về giải pháp quản lý cỏ dại hại mía cho nông dân, hệ thống tưới nhỏ giọt của công ty Netafim (Israel)... đã đưa tới hội thảo các giải pháp khoa học mới nhằm giúp giảm gía thành sản phẩm – vấn đề đau đầu nhất của mía đường Việt Nam.

Song tất cả công nghệ tiên tiến sẽ không thể giúp giấc mơ của ngành mía đường phát triển ngang hàng với các nước thành hiện thực một khi bài toán qui hoạch đất đai, qui hoạch ngành, quản lý điều tiết thị trường vẫn còn nhiều trăn trở.

Thành Thành Công, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành mía đường, đang có những dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp, nhưng không phải trong lĩnh vực mía đường. Theo ông Đặng Văn Thành, sắp tới vào tháng 9-2015 tập đoàn sẽ khai trương Nhà máy sản xuất đóng hộp nước dừa xuất khẩu ở Bến Tre với tổng vốn đầu tư 30 triệu đô la Mỹ theo qui trình, thiết bị nhập khẩu từ châu Âu.

Đối tác Malaysia và Singapore đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 80% sản lượng của nhà máy. “Họ sẵn sàng bao tiêu 100% sản phẩm làm ra, nhưng chúng tôi phải dành 20% để tiếp thị trong nước,” ông Thành nói. Kế đó dự án nuôi bò Kobe hợp tác với Nhật bản tại Lâm Đồng cũng sẽ giới thiệu ra thị trường đợt sản phẩm thịt bò tươi đầu tiên.

Nguồn: TBKTSG