“Dường như đang có một chiến dịch marketing “hù dọa” nhắm vào nông sản Việt Nam để dọn đường cho hàng nhập. Nếu không khéo thì chính thị trường nội địa cũng sẽ sợ sản phẩm mà chúng ta làm ra” - ông Viên cảnh báo.

Một thực trạng khác, theo ông Viên, thương nhân nước ngoài đang tiếp cận trực tiếp nông dân Việt Nam tại đồng ruộng và điều khiển sản xuất. Họ nắm mọi thông tin thông qua đội ngũ “cò” ở khắp nơi, biết từ giống, giá thành, chi phí các loại. Thậm chí, hàng trong kho DN, họ cũng biết. Trong tình thế đó, DN muốn bán giá cao cũng không được.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng tình với nhận xét nêu trên. Ông cho biết đã đi Trung Quốc, Thái Lan nhiều nhưng chưa bao giờ biết giá thành gạo của họ, trong khi gạo Việt Nam thì ai cũng biết. “Công bố như vậy có lợi cho nông dân nhưng không thể nào đẩy giá xuất khẩu lên được!” - ông Dư lo ngại.

Vì thế, theo ông Nguyễn Lâm Viên, cần phải có chiến dịch quảng bá, ca ngợi nông sản Việt Nam thì mới hy vọng đẩy được giá bán - điều mà yến sào đã làm được. Cụ thể, yến Việt Nam hiện bán với giá 2.000-3.000 USD/kg, trong khi giá của các nước lân cận chỉ 800 USD/kg. “Muốn làm được như vậy thì phải che bớt thông tin sân nhà lại. Nguyên tắc là thương nhân nước ngoài không được tiếp cận trực tiếp với nông dân vì họ chưa đủ kỹ năng để ứng phó” - ông Viên đề xuất.