Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, nếu không tuân theo quy định mới của Mỹ, chắc chắn hàng cá tra của Việt Nam sẽ không xuất khẩu được vào thị trường này.

Mỹ đã đưa ra quy định yêu cầu cho Việt Nam. Chẳng hạn như trước tháng 3/2016, Việt Nam sẽ phải cung cấp danh sách các cơ sở hiện xuất khẩu, cũng như các tài liệu bằng văn bản của cơ quan quản lý và điều kiện tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu tại Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, qua khoảng thời gian ngắn nghiên cứu cũng thấy một số điểm trong các quy định của Mỹ chưa thực sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đó là việc điều chuyển cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm đối với loài cá da trơn. Trước đây vấn đề này do FDA chịu trách nhiệm quản lý, giám sát.

FDA yêu cầu các nhà máy muốn xuất khẩu sang Mỹ phải áp dụng hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và phía FDA sẽ định kỳ sang kiểm tra. Nhưng nay lại chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khi phương thức quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ không giống như của FDA.

Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu nước nào muốn xuất khẩu sản phẩm cá da trơn, trong đó có cá tra, basa Việt Nam phải có hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật tương đương với Mỹ. Điều đó tức là họ sẽ đánh giá hệ thống luật lệ của Việt Nam, các năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam và xem xét hệ thống pháp luật, năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam có tương đồng với Mỹ hay không. Sau đó mới tiến đến công nhận tương đương với Mỹ. So với cách làm trước đây của FDA, cách làm hiện tại của Bộ Nông nghiệp Mỹ là theo hệ thống.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, một quốc gia đáp ứng được theo hệ thống sẽ khó hơn, phức tạp hơn và mất thời gian hơn. Điều chúng ta quan ngại nhất là sẽ mất nhiều thời gian để phía Mỹ có thể sang kiểm tra và tiến đến công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam là tương đương với các quy định của Mỹ.

Theo đánh giá ban đầu của ông Nguyễn Thanh Bình, Việt Nam đã có nhiều điều kiện tương đương nhưng chưa thành hệ thống giống như Mỹ. Các quy định trong sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam có thể có trong văn bản này, văn bản kia nhưng vấn đề là cần tập hợp để so sánh với quy định của Mỹ. Từ khâu chế biến, phía Mỹ đã có các đoàn kiểm tra và công nhận chất lượng.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đăng ký với Mỹ và phía Mỹ cũng đã cho phép nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào từ trước đến nay. Hiện Việt Nam có khoảng gần 500 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của EU. Khi đã đạt tiêu chuẩn của EU thì đạt tiêu chuẩn tương đương của Mỹ sẽ không có khó khăn nhiều.

“Vấn đề ở khu vực nuôi sẽ nhiều hơn. Cần phải thống kê các quy định của Việt Nam và so sánh xem có tương đương hay không. Cái nào có thể làm được, cái nào có thể phải thay đổi hoặc không làm được,” ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến đã đạt điều kiện xuất khẩu vào châu Âu, đã có tên trong danh sách xuất khẩu vào Mỹ. Do đó, vấn đề sẽ không nằm nhiều ở doanh nghiệp chế biến mà nằm ở vùng nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn, cơ sở sản xuất con giống... Nay phải xâu chuỗi tất cả thứ đó lại, sản xuất theo chuỗi và điều này Việt Nam chưa làm được nhiều.

Quy định của Mỹ đưa ra một số điều kiện, yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng, thu gom, vận chuyển, sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Mỹ cũng đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn và Việt Nam cũng có các tiêu chuẩn quy chuẩn.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, vấn đề là sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Mỹ đưa ra với của Việt Nam khác nhau như thế nào. Quan trọng hơn là tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía Mỹ đưa ra có phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế hay không.

Nếu trong quá trình nghiên cứu thấy quy định nào của Mỹ chưa thực sự phù hợp với các Hiệp định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những quy định của Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hay tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex sẽ yêu cầu Mỹ giải trình, điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Đồng thời đề nghị Mỹ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng ta phải nghiên cứu toàn diện và đầy đủ và tất cả điểm gì của Mỹ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế thì sẽ đề nghị phía Mỹ điều chỉnh. Những gì đã phù hợp cũng đề nghị phối hợp với Việt Nam để làm sao quy định của Mỹ ban hành ra không cản trở thương mại giữa hai nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những văn bản với Mỹ về những điểm không phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì đề nghị điều chỉnh. Đồng thời, cũng phải có thời gian chuyển tiếp đủ lớn để Việt Nam có thể đủ thời gian hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như năng lực thực thi để đáp ứng yêu cầu tương đương. Trong thời gian đó, Việt Nam cần sự hợp tác của Mỹ để duy trì xuất khẩu, không để gián đoạn xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ," ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.
 ​
Nếu sau khi nghiên cứu đầy đủ và toàn diện, thấy rằng việc ban hành quy định này không phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu đến cả phương án là khởi kiện ra WTO. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để có thể nói rằng các quy định của Mỹ so với chuẩn mực quốc tế là không phù hợp ở mức độ nào. Nếu vấn đề về kỹ thuật không phù hợp thì có thể đề nghị họ điều chỉnh. Còn nếu sai về mặt phương thức, sai về nguyên tắc thì chúng ta có thể xem xét phương án khởi kiện.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ và phối hợp với các ban ngành để phổ biến các quy định với người nuôi, cơ sở thu gom, chế biến xuất khẩu./.

Theo: Bích Hồng - TTXVN/Vietnam+

Nguồn: vietnamplus.vn