Tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong tháng 7 vừa qua, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tăng nhẹ so với tháng 6. 

Giá tôm sú nguyên liệu tăng khoảng 10.000 đồng/kg tùy kích cỡ, hiện ở mức 260.000 đồng/kg (cỡ 20 con/kg); 190.000 đồng/kg (cỡ 30 con/kg); 150.000 đồng/kg (cỡ 40 con/kg). 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, diện tích tôm sú ước đạt 540.400 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 124.000 tấn, giảm 8,1%. Trong đó, một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như: Cà Mau sản lượng giảm 13,5%, Kiên Giang sản lượng giảm 3,3%, Bến Tre sản lượng giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, giá tôm thẻ sau khi giảm vào đầu tháng này đã tăng trở lại do nguồn cung tôm nguyên liệu không còn nhiều, một phần sức mua tăng nhẹ.

Diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng Đồng bằng sông Cửu Long 7 tháng đầu năm 2015 đều giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể diện tích ước đạt 39.100 ha, sản lượng ước đạt 84.900 tấn. 

Một số tỉnh có diện tích, sản lượng giảm nhiều như Bến Tre diện tích giảm 12,4%, sản lượng giảm 17,2%; Bạc Liêu diện tích giảm 38,1%, sản lượng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo một số chuyên gia trong ngành, trong thời gian vừa qua, sản lượng tôm giảm do dịch bệch, điều kiện tự nhiên khó khăn, sự xâm nhập độ mặn của nước biển tăng mạnh ở tháng 3,4 và 5 khiến người dân hạn chế nuôi.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp cho hay, trong thời gian tới nhằm phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2015, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới sẽ tăng trở lại đẩy giá tôm tăng nhẹ.  Đây là dấu hiệu khởi sắc cho tôm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp khuyến cáo hộ dân nên chú trọng vào tôm sú, đặc biệt là tôm sú nuôi quảng canh. Vì trong bối cảnh sức mua thị trường yếu, tỷ giá bất lợi, giá bán xuống thấp, nếu sản xuất tôm sú nuôi quảng canh thì cho giá thành thấp, ít dịch bệnh, khả năng cạnh tranh cao hơn.

Kiều Linh