Các chuyên gia phân tích thị trường kim loại cho thấy tình trạng như năm 2003 có thể tái diễn khi Codelco của Chile, nhà sản xuất đồng đứng đầu thế giới đang chỉ dự trữ 200.000 tấn đồng cho sản xuất từ đường ống cho đến ô tô. Điều này có thể gây nên cú sốc nguồn cung và hỗ trợ giá đồng tăng trở lại.

Đầu tháng này, Glencore bắt đầu chiến lược cắt giảm chi phí gồm các kế hoạch đóng cửa 2 mỏ khai thác đồng lớn tại Zambia và Công Gô trong 18 tháng tới. Kế hoạch này sẽ khiến sản lượng của họ giảm 400.000 tấn và tương đương giảm 2% nguồn cung đồng thế giới. 

Ivan Glasenberg, giám đốc điều hành của Glencore cho biết kế hoạch này đã giúp giảm bớt lo lắng của các cổ đông về khoản nợ 30 tỷ USD khi giá nguyên liệu từ đồng đến than đều xuống thấp nhất 6 năm qua do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Cổ phiếu của hãng tăng 7% sau kế hoạch trên nhưng kể từ đầu năm cổ phiếu của họ đã giảm tới 60%.

Về khía cạnh thị trường, các chuyên gia cho rằng, đây có thể sẽ là cú sốc đối với nguồn cung và có thể giúp giá hàng hóa này phục hồi chậm. Diễn biến này rất giống với tình hình thị trường năm 2002-2003.

Mười hai năm trước đây, giá các loại hàng hóa cũng chạm đáy 14 năm và tồn kho toàn cầu tăng mạnh. Đáp lại, doanh nghiệp nhà nước Codelco đã xây kho dự trữ 200.000 tấn ở cảng Antofagasta, phía nam Chile. 

Nhưng đối với Trung Quốc, tình hình năm 2003 lại khác xa.

Năm ngoái, Trung Quốc tiêu thụ một mức kỉ lục 9,4 triệu tấn đồng, chiếm 1/2 tổng sản lượng toàn cầu trong khi năm 2003 chỉ khoảng 3 triệu tấn. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của quốc gia này thường cao hơn 10% trong 10 năm qua nhưng đã giảm 3-4% trong năm này và đây chính là nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng này giảm mạnh gần đây.

Theo một số nhận định, thị trường đồng trong năm 2003 khó khăn hơn hiện nay. Dự trữ toàn cầu thời điểm đó là 1,5 triệu tấn, cao gấp 3 lần so với hiện nay và mức giá chỉ đạt 1.300 USD/tấn, bằng1/4 giá hiện nay.

Cùng với sự thiếu hụt nguồn hàng và sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc, hành động của Codelco trong năm 2003 đã cứu thị trường đồng.

Năm 2005, giá các loại hàng hóa này đã tăng hơn gấp đôi lên mức trên 3.000 USD/tấn, dự trữ toàn cầu đã giảm xuống còn 100.000 tấn và thị trường tăng vọt khi chứng kiến mức giá gần 10.000 USD/tấn năm 2010.

Các chuyên gia phân tích dự báo giá có thể hồi phục khi chứng kiến một số tín hiệu nguồn cung từ Trung Quốc tăng mạnh trở lại và sự đóng cửa một số cơ sở khai thác của Glencore có thể khiến thị trường chứng kiến mức thâm hụt nhẹ trong năm tới. 

Bình Trần