Sau năm 2023 nhiều biến động về nguồn cung và giá cả, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục "nóng" ngay từ đầu năm 2024
Nguồn cung có hạn do thời tiết không thuận lợi, một số quốc gia cấm và hạn chế xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường gia tăng, căng thẳng Biển Đỏ...,là nguyên nhân chính khiến thị trường gạo 2024 nóng lên.
Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.
Toàn bộ những sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều đã và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu lớn nhất, với hơn 20 triệu tấn gạo/năm đã có nhiều chính sách hạn chế xuất khẩu gạo từ giữa năm ngoái. Nhiều quốc gia đã chuyển hướng tìm kiếm các nguồn cung cấp gạo thay thế, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á..
Năm 2024 nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu dự báo giảm, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng… tạo cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu…cũng như có được giá xuất khẩu tốt
Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn.
Với dự báo mới này, mức nhập khẩu của Philippines trong năm nay cao hơn đến 600.000 tấn gạo so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này (Năm 2022 nhập khẩu gạo nước này là 3,826 triệu tấn).
Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng, USDA cho hay, nước này tăng nhập vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa.
Tương tự, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam cũng tăng nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Indonesia gần đây thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng sản lượng gạo nhập khẩu là 3,6 triệu tấn.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, Chính phủ Indonesia sẽ sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo vào ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).
Với thị trường Trung Quốc, dự báo, năm nay, thị trường này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo để điều tiết hài hòa giữa nhập khẩu và sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Trong năm ngoái, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, với sản lượng 917.255 tấn, kim ngạch 530,6 triệu USD (giá bình quân 578 USD/tấn).
Dự báo, xuất khẩu gạo sang thị trường tỷ dân có thể vượt xa con số hơn 900.000 tấn của năm 2023, giá xuất khẩu cũng có cơ hội để tăng hơn nữa.
Chia sẻ tại Hội nghị lúa gạo toàn cầu 2024 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích: "Với vị trí là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ngành gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, từ thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu, khuynh hướng giá cả tới biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu,… ".
Dù vậy, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Nhờ đó, 2023, lần đầu tiên kể từ khi tham gia xuất khẩu, ngành gạo đã lập được kỷ lục xuất bán hơn 8,13 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với năm 2022.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 920.000 tấn, trị giá 640 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang bị thắt chặt.
Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia,…
Để chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu cho biết, đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Nguyễn Anh Sơn đánh giá: “Cơ hội là rất lớn cho ngành gạo và các doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu 2024 vẫn nóng và có nhiều biến động, doanh nghiệp gạo phải bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Việc nắm bắt nhanh thông tin thị trường sẽ giúp đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024.
Cùng đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.

Nguồn: Vinanet/VITIC