Nếu không có gì thay đổi thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ra quyết định về lãi suất vào ngày 17/9, và điều này có thể gây biến động mạnh trên thị trường hàng hóa.
Trong 8 tuần qua thì có tới 6 tuần các nhà đầu cơ đã bán ròng đối với 18 mặt hàng chủ chốt giao dịch trên các Sàn giao dịch kỳ hạn thế giới, theo số liệu của chính phủ Mỹ. Thị trường hàng hóa đang trở nên đặc biệt nhạy cảm với quyết định của Fed.
Lãi suất của Mỹ duy trì quanh mức 0 – 0,25% kể từ khi bắt đầu khủng hoảng tài chính năm 2008. Các thương gia đang đặt cược với tỷ lệ 30% rằng Fed sẽ nâng lãi suất sau khi kết thúc kỳ họp 2 ngày sắp tới, tức là vào cuối này 17/9/2015. Hồi tháng 12 năm ngoái, tỷ lệ này còn ở mức cao 59%, theo số liệu của Bloomberg.
*Chỉ số đồng dollar giao ngay (Bloomberg Dollar Spot Index) đã tăng khoảng 15% trong vòng một năm qua, và có thể sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa. Điều này gây bất lợi cho giá dầu bởi đơn giản là nó khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn khi quy đổi ra các tiền tệ khác, theo nhận định của chiến lược gia hàng hóa Bart Melek, giám đốc công ty TD Securities ở Toronto.
*Giá vàng cũng sẽ trái chiều với xu hướng tăng giá của đồng USD. Vàng hiện đang giao dịch quanh mức giá thấp nhất gần một tháng, trong khi lượng vàng mà các quỹ tín thác nắm giữ hiện thấp nhất kể từ 2009. Các ngân hàng, trong đó có Oversea-Chinese Banking Corp. dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm.
*Các kim loại công nghiệp sẽ trong tình trạng khá hơn chút ít so với vàng dù kết quả cuộc họp hai ngày 16 và 17/9 của Fed có như thế nào, bởi những lo ngại về sự giảm sút nhu cầu của Trung Quốc đã dịu lại, và các mỏ kim loại đang cắt giảm sản lượng.
*Lãi suất tăng ít có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các thị trường nông sản, nhưng sẽ làm tăng lãi suất tín dụng trong năm tới, ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà sản xuất. “Nếu sau đó tỷ lệ lãi suất sẽ tăng thêm nữa thì thị trường nông sản cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều”, Jim Farrell, giám đốc công ty Farmers National Company ở Omaha, Nebraska dự báo.
*Các nhà thăm dò dầu khí có thể cũng sẽ phải chịu thêm áp lực bởi chi phí tiền vay tăng lên. “Họ sẽ bị ảnh hưởng, sau khi đã tổn thất lớn bởi giá dầu giảm từ 105 USD xuống 45 USD/thùng”, Gabriele Sorbara, nhà phân tích thuộc Topeka Capital Markets Inc. ở New York cho biết.
* Đối với cổ phiếu của các công ty năng lượng, lợi tức của các cổ đông thường bị ảnh hưởng rất nhiều khi lãi suất tăng, bởi theo ông Kit Konolige, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, lợi tức bị ràng buộc bởi những quy định của chính phủ và không thể tăng một cách dễ dàng để phù hợp với lãi suất tăng.
*Lãi suất tăng sẽ là tin buồn đối với ngành khí đốt thiên nhiên của Mỹ trong bối cảnh ngành này đang chuẩn bị để bắt đầu xuất khẩu vào cuối năm nay. “Đồng USD mạnh lên sẽ khiến khí gas của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với những khách hàng t hanh toán bằng các đồng tiền khác”, Bob Yawger, giám đốc công ty Mizuho Securities USA Inc. ở New York cho biết.
*Đối với các nhà sản xuất hàng hoá ở Brazil – nước xuất khẩu cà phê, đường và quặng sắt lớn nhất thế giới, và Nga – nước xuất khẩu nhiều nickel và lúa mì, tiền tệ của họ giảm giá đã giúp giảm chi phí lao động và khích lệ các nhà sản xuất tăng cường xuất khẩu để thu ngoại tệ (USD). Giá cà phê đã giảm xuống mức thấp nhất 19 tháng trong tuần qua bởi đồng real giảm khiến nông dân Brazil tăng mạnh sản xuất.
“Kết quả cuộc họp của Fed sẽ tạo ra xu hướng giá cho nhiều loại hàng hoá”, Walter “Bucky” Hellwig, người quản lý công ty BB&T Wealth Management trị giá 17 tỷ USD ở Birmingham, Alabama khẳng định.
Theo Vân Chi
CafeF/Trí Thức Trẻ