Dòng tiền đầu tư đến thị trường đã chứng kiến ngày gia tăng rất mạnh với mức tăng gần 40%, đạt trên 5.700 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 15/09.
Giá kim loại đồng loạt suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ. Giá bạc COMEX giảm 0,45% xuống 19,11 USD/ounce. Bạch kim vẫn là mặt hàng có sự biến động mạnh nhất, mất 2% giá trị xuống 930,1 USD/ounce.
Dollar Index tăng mạnh là nguyên nhân chính gây sức ép cho nhóm kim loại quý. Gần như chắc chắn trong cuộc họp chính sách tuần này Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 3,75-4% khi các dữ liệu lạm phát như CPI, PCE cho thấy lạm phát vẫn duy trì gần mức đỉnh 40 năm bất chấp các nỗ lực trong cuộc chiến giảm giá cả. Ngày hôm qua, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng dự báo đỉnh lãi suất của Fed trong năm 2023 lên 5%, cao hơn 25 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Các nhà kinh tế của ngân hàng cho rằng tiến trình này bao gồm mức tăng 75 điểm cơ bản trong tuần này, 50 điểm cơ bản trong tháng 12 và 25 điểm cơ bản trong tháng 2 và tháng 3. Môi trường lãi suất cao là yếu tố gây áp lực cho các kim loại quý, vốn là tài sản trú ẩn không sinh lời.
Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng chung diễn biến. Kết phiên hôm qua, giá đồng giảm 1,57% xuống 3,37 USD/pound, trong khi giá quặng sắt giảm 2,8% xuống 77,17 USD/tấn do các thông tin tiêu cực tại Mỹ. Dịch Covid-19 của Trung Quốc gia tăng với số ca nhiễm lên 2.500 ca, mức cao nhất trong vòng 3 tháng tại nhiều vùng sản xuất, kinh tế trọng điểm khiến cho nền kinh tế chật vật. Các công viên giải trí ở Thượng Hải đã đóng cửa trở lại chỉ sau 3 tháng tái hoạt động, trong khi đó Quản Đông, Trịnh Châu, các nhà máy sản xuất như Foxconn cho biết đang vật lộn tìm cách chăm sóc công nhân, và có thể tăng công suất tại các vùng khác để kịp tiến độ. Chính sách Covid-19 thắt chặt sẽ khiến cho nền kinh tế nước này chịu thêm nhiều khó khăn, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ 20, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đề cao chính sách không khoan dung với dịch, bất chấp áp lực mà chính sách này mang lại đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Số liệu Quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc trong tháng 10 đã rơi xuống dưới 50, báo hiệu một sự thu hẹp trong hoạt động.
Lúa mì tăng vọt 6%
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đã bật tăng hơn 1,5% sau ba phiên liên tiếp suy yếu. Mặc dù tạo tăng vọt ngay từ khi mở cửa, tuy nhiên, lực bán kỹ thuật tại vùng kháng cự tâm lý 700 cents/giạ đã thu hẹp đà tăng của giá trong phiên tối. Những lo ngại sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ biển Đen là nguyên nhân chính khiến giá được hỗ trợ trong ngày hôm qua.
Hãng tin TASS dẫn thông báo ngày 29/10 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moskva đã quyết định ngừng việc tham gia thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen sau cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga tại bán đảo Crimea. Quân đội Nga đã cáo buộc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Moskva ở cảng Sevastopol tại bán đảo Crimea, khiến một trong các tàu của hạm đội này bị hư hại nhẹ. Với tình hình chiến sự leo thang, Nga cho biết họ không có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu xuất khẩu. Việc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine không được gia hạn sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung ngô tại khu vực này và là yếu tố khiến giá tăng mạnh ngay từ khi mở cửa.
Biến động mạnh hơn ngô, lúa mì đã bật tăng hơn 45 cents/giạ ngay từ khi mở cửa và diễn biến giằng co trong phiên sáng. Dù đà tăng thu hẹp về vùng hỗ trợ 855 cent/giạ trong phiên tối, tuy nhiên, lực mua tại đây đã giúp giá quay trở lại và đóng cửa với mức tăng hơn 6%. Việc Nga từ bỏ gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ biển Đen cũng là nguyên nhân chính khiến cho giá lúa mì ghi nhận mức tăng mạnh mẽ.
Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới và hiện tại đang mùa xuất khẩu cao điểm sau khi thu hoạch. Theo Bộ Giao thông vận tải Đức, đường biển sẽ vẫn là con đường hiệu quả nhất để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, mặc dù năng lực vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ của Ukraine đã được cải thiện. Nguyên nhân là bởi chi phí vận chuyển nông sản bằng đường bộ từ Ukraine tới các cảng trên Biển Bắc của Đức để xuất khẩu ra thế giới là rất tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ biển Đen đổ vỡ sẽ khiến nguồn cung lúa mì tại khu vực này bị thắt chặt nghiêm trọng và là yếu tố đã hỗ trợ rất mạnh cho giá lúa mì.
Theo MXV, giá nông sản trong tuần này có thể sẽ bước vào giai đoạn biến động mạnh sau giai đoạn giằng co đi ngang vừa qua. Các thông tin xoay quanh thoả thuận ngũ cốc ở Biển Đen sẽ là yếu tố chính tác động lên giá trong ngắn hạn. Giá các mặt hàng tại các nông trại hiện cũng được ghi nhận ở mức cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau năm hạn hán kỷ lục 2012 nên triển vọng mùa vụ kém khả quan tại Mỹ cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá trong trung hạn.
Giá nông sản nhập khẩu vẫn ở mức cao có thể hạn chế mua hàng của các nhà máy thức ăn chăn nuôi
Trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá ngô giao vào quý IV năm nay tại cảng Cái Lân đang được chào bán trong khoảng từ 8.700 – 9.000 đồng/kg, trong khi giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.300 – 14.800 đồng/kg.
Với mức giá như hiện tại, các nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ hạn chế mua hàng và hoạt động thương mại có thể sẽ diễn ra ảm đạm trong vài ngày tới. Càng gần tới Tết nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu sẽ càng cao hơn, khi đó nếu giá nhập khẩu vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải mua hàng để đảm bảo ổn định sản xuất trước Tết.