Thị trường ghi nhận một loạt các mức tăng rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng. Đáng chú ý, giá bông tăng kịch trần trong ngày hôm qua với mức tăng gần 5% lên hơn 1.865 USD/tấn. Theo sau đó, xăng dầu và hợp đồng kim loại cũng tăng vọt quanh các mức 3- 4%.

Thị trường kim loại lạc quan hơn về bức tranh tiêu thụ
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua ngày 30/11, sắc xanh bao phủ gần như toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại. Kim loại quý ghi nhận phiên tăng khá mạnh khi thị trường tập trung hướng về những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, trong đó báo hiệu về giai đoạn giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Kết phiên, giá bạc tăng 1,61% lên mức 21,78 USD/ounce. Bạch kim tăng mạnh 3,04% lên 1039,3 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều ghi nhận mức tăng tháng thứ 3 liên tiếp.
Cả bạc và bạch kim đều đón nhận lực mua tích cực ngay từ khi mở cửa phiên khi các nhà đầu tư lạc quan hơn với kịch bản Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại, giúp nhu cầu kim loại quý cho ngành công nghiệp phục hồi. Bạch kim ghi nhận đà tăng mạnh mẽ hơn do ứng dụng chủ yếu trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô. Đà tăng của 2 mặt hàng kim loại quý này càng được nới rộng sau khi ông Jerome Powell phát đi các thông điệp giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Fed có ý định thắt chặt quá mức kể cả khi sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế. Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ vẫn có thể “hạ cánh mềm”, với viễn cảnh giá cả được khống chế và không có sự gia tăng đáng kể nào đối với tỷ lệ thất nghiệp. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của ADP cho thấy thay đổi việc làm giảm mạnh từ 239.000 người xuống còn 127.000 trong tháng 11, thấp hơn 73.000 so với dự đoán của thị trường. Trong khi đó, báo cáo của JOLT cũng cho thấy số cơ hội việc làm giảm trong tháng 10 so với tháng trước.
Đồng Dollar Mỹ giảm mạnh trước thông tin này, kéo chỉ số Dollar Index xoá tan những tích lũy từ 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Điều này giúp củng cố lực mua đối với bạc và bạch kim với chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn và kỳ vọng tích cực hơn đối với nền kinh tế.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận đà tăng 2,71% lên mức 3,73 USD/pound trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11. Như vậy, đồng COMEX ghi nhận tháng tăng giá đầu tiên sau 7 tháng liên tục trượt dốc, và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Mặc dù dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tiêu cực trong tháng 11, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất và phi sản xuất đều dưới ngưỡng 50, biểu thị cho sự thu hẹp quy mô. Giá đồng khá giằng co trong phiên sáng trước thông tin này. Tuy nhiên, đà tăng được thúc đẩy liên tục trong hơn nửa sau phiên giao dịch khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm thoát khỏi chính sách Không Covid. Chính phủ đang thúc đẩy việc triển khai tiêm vaccine thứ 4 trên diện rộng, làm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo theo đà tăng đối với giá các kim loại cơ bản khác, trong đó nhôm LME tăng 4,12% với bối cảnh tồn kho thấp.

Yếu tố cung - cầu đồng thời hỗ trợ giá dầu thô
Kết thúc phiên giao dịch 30/11, giá dầu thô WTI tăng 3,01% lên 80,55 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng tăng 3,23% lên 86,97 USD/thùng.

Những lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt một lần nữa lại hỗ trợ cho giá đầu tăng mạnh. Theo báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 12,58 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11. Mức sụt giảm này thấp hơn cả dự báo của Reuters và số liệu của API trước đó là 7,9 triệu thùng, đồng thời cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2019. Tồn kho dầu thô thương mại hiện còn khoảng 419,08 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.

Không những phản ánh tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, báo cáo của EIA cũng chỉ ra rằng lượng tồn kho thấp là kết quả của việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục.
Bên cạnh Mỹ, khảo sát mới nhất của Reuters cũng cho biết, sản lượng dầu của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 11 đã giảm 710.000 thùng so với tháng 10, khi mà các thành viên cùng đồng minh tiến hành cắt giảm sản lượng trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ kém đi.
Đầu tuần này, các đại biểu của OPEC và đồng minh (OPEC+) đã phát ra tín hiệu rằng nhóm có thể tiến hành mạnh tay cắt giảm sản lượng hơn, tuy nhiên các chuyên gia phân tích dự báo nhiều khả năng các thành viên vẫn giữ sản lượng không đổi. Thông tin này tạo ra một lực cản nhẹ với giá, tuy nhiên cũng không quá đáng kể.
Xét về phía nhu cầu, thị trường đang tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 giảm so với hôm thứ 3, mở ra kỳ vọng về việc các nhà chức trách sẽ sớm nới lỏng các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt hiện tại. Trong hôm qua, Quảng Châu cũng đã tiến hành nới lỏng các quy tắc chống dịch tại một số quận.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ đáng kể sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Jerome Powell cho biết, Fed có thể điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất một cách phù hợp hơn và những điều chỉnh tích cực này có thể bắt đầu từ cuộc họp tháng 12 năm nay.
Thông tin này đã khiến cho đồng USD suy yếu và làm giảm chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô, trực tiếp hỗ trợ cho giá. Chỉ số Dollar Index đã giảm mạnh về 105,95 điểm trong phiên hôm qua.
Thị trường hàng hoá có dấu hiệu khởi sắc trong tháng cuối năm
Theo MXV, triển vọng nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại, đặc biệt ở Trung Quốc, sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho thị trường khởi sắc sau giai đoạn liên tục đi xuống trong tháng 11. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cũng đang cho thấy động thái giảm tốc tiến trình tăng lãi suất. Điều này sẽ củng cố lực mua đối với hàng hoá nguyên liệu, đặc biệt là các mặt hàng kim loại và năng lượng, vốn nhạy cảm với chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, đối với dầu thô, mặt hàng quan trọng có khả năng định hướng thị trường, lại đang cho thấy sự không chắc chắn về mặt nguồn cung, khiến giá dầu có thể biến động mạnh trong thời gian tới. Các nước EU hiện vẫn chưa có quyết định chính thức về mức giá trần đối với dầu Nga, trong khi thời hạn lệnh cấm vận có hiệu lực vào ngày 5/12 đang đến gần. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, giá dầu có thể tăng bởi lo ngại dòng chảy dầu từ Nga sẽ bị hạn chế nhiều hơn. Hiện tại, Nga đang đánh mất tới 90% lượng dầu vận chuyển sang châu Âu, và chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. 

Nguồn: Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)