Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh sau ngày sụt giảm trước đó, đạt mức 4.200 tỷ đồng khi mà dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường Năng lượng, nơi đã ghi nhận các mức tăng rất lớn của tất cả các mặt hàng xăng dầu trong ngày hôm qua.
Dầu WTI lấy lại mốc 80 USD/thùng
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua ngày 28/09, theo đà của thị trường chung. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 4,65% lên 82,15 USD/thùng, giá Brent tăng 3,75% lên 88,05 USD/thùng.
Trong phiên sáng, giá dầu đã có lúc giảm mạnh khi Dollar Index chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2002. Lực mua chỉ quay trở lại thị trường khi giá chạm hỗ trợ tại khu vực 77 USD/thùng. Giá dầu rơi xuống ngưỡng 80 USD/thùng tạo ra cơ hội mua vào khá tốt đối với giới đầu tư, khi mà rủi ro địa chính trị và rủi ro về mất cân bằng cung – cầu vẫn có khả năng đẩy giá dầu lên cao.
Các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này trong quý IV/2022 khả năng cao sẽ phục hồi từ đáy quý III, khi mà các tín hiệu như số lượng đặt vé máy bay, mức độ tắc nghẽn giao thông đang có dấu hiệu tăng lên. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, do đó sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ của nước này tạo ra tín hiệu tích cực trên thị trường.
Trong khi đó, nguồn cung lại có khả năng sụt giảm, với thời hạn bán dầu từ kho dự trữ khẩn cấp SPR của Mỹ sắp kết thúc. Tuần kết thúc ngày 23/09, tồn kho dầu thương mại Mỹ bất ngờ giảm 0,2 triệu thùng, ngược với số liệu tăng 4.2 triệu triệu thùng/ngày của API. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu cũng tăng mạnh ở hầu hết các sản phẩm như xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu máy bay, lên mức 20.77 triệu thùng/ngày, tăng 1.8 triệu thùng/ngày so với kỳ báo cáo trước.
Tiêu thụ dầu có tín hiệu gia tăng tại Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm khoảng trên 30% tổng nhu cầu dầu thế giới, trong khi nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ có rủi ro sụt giảm. OPEC+ có thể quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tháng 10, trong khi EU dự định tăng cường cấm vận lên ngành dầu của Nga do căng thẳng leo thang tại Ukraine. Cụ thể, ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, EU cũng sẽ cấm các công ty châu Âu vận chuyển dầu Nga đến các nước khác, nếu giá dầu vận chuyển cao hơn trần giá quốc tế. Các chi tiết về gói cấm vận mới được kỳ vọng sẽ làm rõ trước tháng 12. Rủi ro mất cân bằng cung – cầu cũng là một trong các lý do chính mà ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent và WTI vẫn có thể đạt lần lượt 100 và 95 USD/thùng trong quý IV.
Lúa mì nối dài đà tăng trước lo ngại về nguồn cung
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì đóng cửa tăng mạnh 3,5%. Mặc dù diễn biến khá ảm đạm trong đầu phiên, nhưng giá đã nhanh chóng bật tăng mạnh trở lại khi gần kết thúc phiên sáng, với tâm điểm chú ý của thị trường tiếp tục là tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine. Thêm vào đó, triển vọng tiêu cực về nguồn cung từ châu Mỹ cũng hỗ trợ mạnh cho giá lúa mì.
Sau khi các cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, Moscow đã sẵn sàng sáp nhập các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Ukraine. Châu Âu và Ukraine đã kịch liệt phản đối động thái trên. Căng thẳng liên quan tới xung đột tại khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự ổn định của dòng chảy ngũ cốc trên Biển Đen và đã thúc đẩy đà tăng của giá lúa mì. Ngoài ra, Tại Nam Mỹ, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) đã dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của Argentina có thể giảm 21,9% so với niên vụ trước, xuống còn 17,5 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Thông tin này dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung lúa mì từ châu Mỹ bị siết chặt và hỗ trợ đà tăng của giá.
Trong khi đó, giá ngô đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,45%. Mặc dù suy yếu trong phiên sáng, nhưng nhờ nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng của giá lúa mì, giá ngô đã nhanh chóng quay đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, những dữ liệu về hoạt động sản xuất ethanol của Mỹ trong tuần vừa rồi đã khiến đà tăng của giá bị thu hẹp.
Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol của nước này trong tuần từ 17/09 đến 23/09 chỉ đạt 855.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 19 tháng. Đây cũng là tuần thứ 7 liên tiếp con số này giảm về dưới mức 1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tiêu thụ ngô cho hoạt động sản xuất ethanol ở Mỹ tiếp tục ở mức thấp đã tác động tiêu cực lên giá ngô.
Ở chiều ngược lại, triển vọng nguồn cung từ Argentina bị thắt chặt trong niên vụ mới là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong phiên hôm qua. Trong báo cáo đầu tiên cho niên vụ 22/23, BAGE đã dự báo sản lượng ngô của Argentina là 50 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài đã khiến hoạt động gieo trồng ngô vụ mới gặp khó khăn và nông dân nước này có thể chuyển một phần diện tích trồng ngô sang đậu tương.
Giá thị lợn hơi nội địa tiếp tục đà giảm
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thịt lợn hơi trong nước được thu mua trong khoảng 53.000 – 62.000 đồng/kg, giảm rải rác từ 1.000 – 4.000 đồng trên các tỉnh thành toàn quốc so với ngày hôm qua. Như vậy, xu hướng giảm đã kéo dài từ tuần trước và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc với liên tiếp các ngày đi ngang và điều chỉnh giảm. Điều này đặt ra “khó khăn kép” cho ngành chăn nuôi nước ta, khi mà giá thức ăn chăn nuôi vẫn không ngừng tăng cao, trong khi giá thành phẩm đầu ra lại ở mức thấp. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn luôn là một đe dọa đến ngành chăn nuôi ở nhiều địa phương.