Tiếp nối đà giảm từ 4 phiên trước đó, giá ngô mở cửa phiên sáng nay trong sắc đỏ và hướng xuống hỗ trợ được thiết lập bởi vùng đáy ngắn hạn vào tháng 12 năm ngoái. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin trước, xét về mặt kĩ thuật, giá ngô đã phá vỡ đường trendline hướng lên và là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng có khả năng sẽ kết thúc. Nếu như thời tiết khô hạn ở Argentina không còn là yếu tố đủ mạnh để thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này thì triển vọng ngô vụ 2 tại Brazil lại đang dần khả quan hơn sẽ tạo áp lực lên giá trong trung hạn.
Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (IMEA), sự chậm trễ trong việc thu hoạch đậu tương cuối cùng cũng đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng ngô. Ở các bang Parana và Mato Grosso do Sul, mưa lớn đang đe dọa sẽ cản trở hoạt động trồng ngô vụ 2 tại hai bang này. Tuy nhiên, dự báo khí tượng chỉ ra rằng Mato Grosso sẽ nhận được lượng mưa trung bình hơn 60 mm trong 60 ngày tới, tạo điều kiện cho các khu vực trong bang phát triển. Vụ ngô thứ 2 tại Brazil còn được gọi là ngô safrinha, ban đầu được gieo trồng ít vì gieo trồng sau vụ đậu tương và trái mùa nên thường phải trả qua khô hạn và sương giá. Năng suất vụ 2 thường biến động lớn qua từng niên vụ do chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ thời tiết và phụ thuộc vào tiến độ thu hoạch đậu tương trước đó. Năm nay, mặc dù mùa vụ đang chậm trễ so với tốc độ trung bình nhưng với triển vọng thời tiết không quá cực đoan thì khả năng tác động tiêu cực từ thời tiết tới năng suất vụ 2 sẽ bị hạn chế. Nhìn chung,với dự báo thời tiết ngắn hạn như hiện tại, chúng tôi vẫn đánh giá mùa vụ ngô năm nay của Brazil đang khá thuận lợi.
Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng kể từ sau khi Chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại và tuyên bố đại dịch cơ bản đã qua. Các đơn hàng trong báo cáo Export Sales đã giảm 2 tuần liên tiếp và lũy kế thấp hơn tới 40% so với cùng kì năm ngoái. Điều này sẽ càng củng cố đà giảm của giá ngô trong trung hạn.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, khả năng cao khiến giá cà phê giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu. Arabica giảm 0.67% khi việc hạn chế bán hàng của nông dân Brazil đã có dấu hiệu hồi phục với mức giảm 18% lượng Arabica xuất khẩu so với cùng kỳ của 24 ngày đầu tháng 2 so với mức 34% 20 ngày đầu tháng. Triển vọng nguồn cung tích cực hơn khi Indonesia bắt đầu thu hoạch và Uganda đẩy mạnh xuất khẩu đã gây sức ép khiến giá Robusta ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0.87%.
Việc lượng mưa giảm dần trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức thấp trong thời gian tới tại vùng trồng cà phê chính, giúp hoặt động chăm sóc cây trồng của nông dân diễn ra thuận lợi hơn và đưa đến triển vọng tích cực hơn cho nguồn cung trong năm nay.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York đã cán mức 794,575 bao loại 60kg sau khi giảm liên tục kể từ lúc đạt mức cao nhất trong 7 tháng. Cùng với đó, lực bán hàng từ phía nông dân các nước xuất khẩu chính như Brazil đã có sự hồi phục gần đây nhưng vẫn giảm đáng kể so với tháng trước đó vẫn là những yếu tố đang và sẽ hỗ trợ giá cà phê hồi phục trong thời gian tới.
Giá đồng có thể duy trì biên độ dao động hẹp khi chờ đợi dữ liệu PMI Trung Quốc
Đồng tiếp tục đón nhận lực mua tích cực trong phiên sáng nay ngày 28/02 sau khi giá phục hồi tăng mạnh trong phiên hôm qua. Dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giằng co khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu PMI Trung Quốc công bố vào ngày mai và kỳ vọng về những chính sách kích thích kinh tế mới, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô vẫn gặp sức ép.
Tối nay Mỹ sẽ công bố số liệu niềm tin tiêu dùng của Conference Board, một chỉ báo quan trọng dự báo chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Hiện thị trường kỳ vọng niềm tin tiêu dùng tăng lên mức 108.5 trong tháng 2 sau khi giảm xuống 107.1 trong tháng trước. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn nóng, thị trường lao động tích cực và lạm phát cao như hiện tại, nếu niềm tin tiêu dùng tăng vượt dự báo của các nhà kinh tế sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục có nhiều manh mối hơn để điều chỉnh chính sách tăng lãi suất.
Hiện các nhà đầu tư dự đoán mức đỉnh lãi suất sẽ rơi vào khoảng 5.4%, có thêm ít nhất 03 lần tăng lãi suất nữa và sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 03. Điều này có thể kéo chỉ số Dollar Index phục hồi trở lại và gây sức ép cho giá đồng trong phiên.
Về phía Trung Quốc, tồn kho đồng trên Sở giao dịch Thượng Hải tiếp tục tăng lên 140,809 tấn cho thấy nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Ngoài ra, nhu cầu yếu một phần do hoạt động kinh tế chậm lại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức tồn kho đồng đang tăng với tốc độ chậm lại và hiện Trung Quốc đang có những tín hiệu mới giúp thúc đẩy triển vọng nhu cầu tiêu thụ đồng khi chỉ số PMI sản xuất tháng 2 được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực. Thị trường cũng trở nên lạc quan hơn trước thềm Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc với kỳ vọng Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách kích thích kinh tế mới.
Thêm vào đó, hôm nay Hồng Kông đã có bước tiến mới trong công tác chống dịch Covid-19 khi tuyên bố người dân có thể bỏ khẩu trang ở những nơi công cộng từ ngày mai. Lãnh đạo Hồng Kông John Lee cho biết thành phố đã hoàn toàn trở lại bình thường, năm nay và năm tới thành phố sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Do đó, triển vọng tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy lực mua đồng.
Thiếu vắng tin tức cơ bản, giá dầu có thể tăng trở lại nhờ lực mua kỹ thuật
Giá dầu tăng trở lại trong sáng nay nhờ lực mua bắt đáy sau khi sức ép bán đã giảm vào cuối phiên hôm qua. Đồng USD vẫn neo ở mức cao, 104.7 điểm nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng việc thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục vào phiên hôm qua, cho thấy các nhà đầu tư cũng đã phân bổ dòng vốn vào các thị trường rủi ro.
Các tin tức về lạm phát có thể sẽ không còn là chất xúc tác chính với tuần này, thay vào đó, thị trường quan tâm tới nội dung của Tuần lễ Năng lượng ở London, Anh, và các số liệu của ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc sẽ được công bố trong các ngày tới.
Về phía tiêu thụ, triển vọng của thị trường Trung Quốc vẫn là yếu tố chính hỗ trợ với giá, tuy nhiên các nhà chức trách của nước này vẫn chưa sử dụng tới những biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế.
Về phía nguồn cung, tâm điểm đang được hướng về Nga, khi nước này sẽ thực hiện chính sách giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày kể từ tháng 3. Dù mức cắt giảm không quá lớn, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian để thấy được ảnh hưởng chính sách này lên nguồn cung.