NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, sắc đỏ quay lại chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nông sản.
Đậu tương đóng cửa với mức giảm rất nhẹ 0.25%, xuống 1395.50 cent/giạ. Lo ngại về nguồn cung đậu tương thiếu hụt do tác động từ diện tích gieo trồng, cũng như là tồn kho đều thấp hơn dự kiến là yếu tố hỗ trợ lớn cho giá đậu tương tăng liên tục trong phiên sáng và vượt qua được mốc kháng cự tâm lý 1400. Bán hàng đậu tương niên vụ mới trong tuần kết thúc ngày 24/06 của Mỹ ở mức 1.67 triệu giạ, nằm ở vùng giữa của khoảng dự đoán, không mang lại nhiều hỗ trợ tích cực. Tồn kho đậu tương tại Trung Quốc tăng thêm gần 200,000 tấn lên mức xấp xỉ 6.3 triệu tấn, góp phần gây áp lực lên giá khiến lực bán áp đảo trong suốt phiên tối.

Tong hop dien bien thi truong

Ngô đóng cửa ở mức 589 cent/giạ, gần như không thay đổi so với phiên trước đó. Tuy nhiên, trong phiên giá ngô đã trải qua rung lắc khá mạnh quanh mức kĩ thuật quan trọng 600. Mặc dù tạo gapup và tiếp tục tăng mạnh trong phiên sáng theo đà tăng từ phiên trước đó do lo ngại về nguồn cung thắt chặt, nhưng giá ngô đã không giữ được mức tăng này khi bước vào phiên Mỹ. Báo cáo Export Sales mới nhất cho thấy mức bán ròng ngô trong tuần vừa qua giảm mạnh, với vụ mùa cũ chỉ đạt gần 15,000 tấn. Thông tin này cùng với lực chốt lời kĩ thuật đã góp phần tạo áp lực lên giá ngô.
Lúa mì kết phiên giảm mạnh hơn 2%. Trong khi điều kiện khô hạn ở Minneapolis tiếp tục làm gia tăng lo ngại về chất lượng lúa mì thu hoạch và hỗ trợ giá tăng lên trong phiên sáng thì sự sụt giảm sau đó của giá ngô và đậu tương đã ảnh hưởng tiêu cực lên giá lúa mì. Cùng với đó là dữ liệu xuất khẩu hàng tuần của Mỹ, với mức bán hàng giảm 40% so với tuần trước đó cũng là yếu tố khiến giá lúa mì đảo chiều và giảm mạnh ngay khi bước vào phiên tối. Ngoài ra, đồng Dollar tăng mạnh trong 7 phiên liên tiếp đã khiến cho giá lúa mì CBOT kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới cũng góp phần vào mức giảm mạnh hôm qua của mặt hàng này.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê hai sàn đồng loạt đóng cửa giảm khi thị trường bước sang Q3/2021. Thị trường thiếu vắng tin tức cơ bản khiến cho các nhà đầu tư phản ứng nhiều hơn ở các vùng kỹ thuật. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE US tăng vào đầu phiên nhưng lực chốt lời ở vùng kháng cự cứng 165 cent đã làm cho giá đóng cửa giảm 2.06% còn 156.4 cent/pound. Đối với Cà phê Robusta cùng kỳ hạn trên sàn ICE EU, giá mở cửa ở gần 1730 USD nhưng sau đó hai phe giằng co trong phiên và khiến giá giảm 1701 USD/tấn.

Giá đường tiếp tục tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô, tuy nhiên đà tăng bị cản lại mạnh ở mốc kháng cự tâm lý 18 cents. Trong khi đó, giá bông phục hồi trở lại từ mốc hỗ trợ 85 cents, bất chấp các số liệu bán hàng thấp của cả niên vụ cũ và niên vụ mới trong báo cáo Export Sales. Với việc diện tích gieo trồng giảm, giá bông sẽ trở nên khá nhạy cảm với các tác động từ thời tiết trong thời gian sắp tới.
KIM LOẠI
Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch hôm qua với diễn biến trái chiều, tuy nhiên các mức thay đổi đều không quá lớn. Bạc là kim loại quý duy nhất đóng cửa với mức giảm trong phiên hôm qua, khi mà cả giá Vàng và Bạch kim đều tăng giá, bất chấp áp lực từ thị trường chứng khoán và đồng USD. Các nhà đầu tư kim loại quý vẫn phản ứng rất mạnh với các mốc hỗ trợ, kháng cự nhiều hơn là các yếu tố vĩ mô trong phiên hôm qua. Giá Bạc tăng từ đầu phiên nhưng áp lực bán ở vùng 26.5 USD đẩy giá đóng cửa giảm nhẹ 0.36% còn 26.1 USD/ounce. Ngược lại, giá Bạch tăng 0.75% lên 1080.9 USD/ounce nhờ vào nỗ lực của phe mua để đưa giá test lại vùng 1100 USD/ounce.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm 1.24% còn 4.236 USD/ounce do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tin tức Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit Trung Quốc tháng 6 giảm so với tháng 5 còn 51.3 điểm, là một tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chững lại. Trái lại, sắc xanh vẫn duy trì trên bảng giá Quặng sắt bằng mức tăng 0.88% lên 204.92 USD/tấn. Dường như những hành động của Chính phủ Trung Quốc không làm ảnh hưởng tới giá, khi mà các nhà đầu tư vẫn tích cực mua vào để đầu cơ và hi vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
NĂNG LƯỢNG
Hôm qua tiếp tục là một ngày giao dịch biến động khi thị trường bám sát các diễn biến trong cuộc họp của OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch, cả hai loại dầu thô đều đã vượt ngưỡng 75 USD/thùng, cụ thể dầu WTI tăng 2.4% lên 75.23 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.63% lên 75.84 USD/thùng.

2 thành viên chủ chốt của nhóm là Saudi Arabia và Nga đạt thỏa thuận sơ bộ tăng sản lượng trong nhóm thêm 400,000 thùng/ngày từ tháng 8 đến cuối tháng 12 năm nay, đồng thời đồng ý với việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối 2022. Điều này khiến cho giá WTI trong phiên có lúc chạm mức 76 USD/thùng.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của UAE và Kazakhstan, khi 2 nước này muốn thay đổi cách tính hạn mức hiện tại, từ đó nâng sản lượng được cho phép của 2 nước lên. Điều này phản ánh mâu thuẫn giữa các thành viên, khi 1 bên muốn tăng sản lượng để tăng tổng nguồn thu, trong khi bên còn lại muốn đảm bảo mức giá cao. Do không đạt được thỏa thuận chung, cuộc họp Hội nghị Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ và Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ sẽ hoãn đến ngày 2/7 vào lúc 20h và 21h30 giờ tối nay.
Đà tăng của khí tự nhiên đã chững lại, với giá đóng cửa tăng 0.3% đạt 3.661 USD/MMBtu trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, giá thấp hơn giá mở cửa khoảng 3.745 USD/MMBtu đầu phiên.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)