NÔNG SẢN
Giá đậu tương quay đầu giảm hơn 1% sau khi nỗ lực vượt trở lại vùng hỗ trợ tâm lí 1300. Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 9.49 triệu tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do lợi nhuận ép dầu giảm giảm xuống mức âm trong 3 tháng gần đây là yếu tố tạo áp lực lên giá.
Giá dầu đậu tương cũng giảm mạnh do chính phủ Brazil đã thông qua chính sách giảm tỷ lệ pha trộn dầu thực vật trong diesel sinh học từ 13% xuống 10%. Giá khô đậu tương cũng giảm trước áp lực bán chung của thị trường nhưng mức giảm được thu hẹp nhờ tác động trái chiều với giá dầu đậu tương.
Ngô tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu mức giảm khi khối lượng giao hàng trong báo cáo Export Inspections chỉ đạt mức 275,799 tấn, thấp hơn một nửa so với tuần trước đó.
Lúa mì đóng cửa chỉ giảm nhẹ dưới 1%. Cục Kinh tế và Khoa học Tài nguyên và Nông nghiệp Australia (ABARES) đã tăng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 21/22 của nước này lên mức 32.63 triệu tấn, cao hơn 17.4% so với dự báo trước kết hợp với thời tiết gieo trồng thuận lợi hơn là yếu tố tạo sức ép lên giá mặt hàng này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng nhẹ 0.5% lên 193.95 cents/pound, trong khi đó, giá Robusta tiếp tục gia tăng mạnh mẽ lên mức 2102 USD/tấn. Giá Robusta được hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam vẫn khó kiểm soát, và tình trạng kẹt hàng tại các cảng chưa được giải quyết. Giá Arabica mở phiên tăng mạnh để cân chỉnh lại với mức tăng của giá Robusta từ phiên hôm trước, tuy nhiên, giá không được hỗ trợ nhiều nên lực bán áp đảo làm cho giá đóng cửa chỉ tăng nhẹ. Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường thiếu vắng các tin tức cơ bản nhưng giá cả hai mặt hàng cà phê vẫn liên tục tăng, đặc biệt là giá Robusta. Có thể các quỹ đầu cơ lớn đang tìm cách thổi phồng giá để tiến hành chốt lời và khiến cho thị trường hứng chịu mức giảm điều chỉnh lớn như cuối tháng 7 vừa qua. 

KIM LOẠI
Giá Bạc giảm 1.7% còn 24.37 USD/ounce, giá Bạch kim giảm mạnh 2.5% còn 995.9 USD/ounce. Đồng USD bật tăng trở lại trong ngày mà các thị trường đầu tư rủi ro đều suy yếu. Cả hai chỉ số Dow Jones và S&P500 của thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm điểm. Thị trường tiền điện tử cũng trải qua một phiên bán tháo khi đồng Bitcoin bất ngờ giảm mạnh 6000 USD còn 46,800 USD. Vì thế, các nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Chỉ số Dollar Index tăng 0.5% lên 92.5 điểm, tuy nhiên sự gia tăng này lại trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực lên giá của các mặt hàng kim loại quý.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm 1.2% còn 4.28 USD/pound trước các thông tin tiêu cực từ phía Trung Quốc. Nhập khẩu đồng trong tháng 8 của nước này giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2019. Các nhà tiêu thụ đồng ở Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mua Đồng ở mức giá hiện tại, họ chờ đợi giá Đồng tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cũng là yếu tố làm giảm nhu cầu tiêu thụ đồng và gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá.
Quặng sắt là kim loại duy nhất đóng cửa với sắc xanh bằng mức tăng 3.4% lên 138.75 USD/tấn. Không ảm đạm như thị trường Đồng, giá Quặng sắt bật tăng trở lại nhờ tin tức nhập khẩu Quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 10.1% so với tháng 7, bất chấp việc Chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng thép. Hợp đồng Quặng sắt trên sàn Đại Liên cũng tăng 1.1% lên 118 USD/tấn. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định xu thế tăng của giá Quặng sắt đã được hồi phục.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.36% xuống 68.35 USD/thùng, trong khi Brent giảm 0.73% xuống 71.69 USD/thùng.
Lo ngại về dịch COVID-19 gia tăng sau đợt nghỉ Lễ Lao động tại Mỹ, khi hàng triệu người dân đi du lịch bất chấp cảnh báo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC. Số ca nhiễm mới hiện đạt trung bình 160,000 ca/ngày, gấp 8 lần so với đợt nghỉ Lễ Trưởng niệm tháng 5. Theo Goldman Sachs, dịch bùng phát mạnh làm giảm triển vọng kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm nay. Do đó, ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2021 từ 6% xuống 5.7%.
Bên cạnh đó, việc Saudi Arabia giảm giá tất cả các sản phẩm sang thị trường châu Á gây áp lực chung lên thị trường năng lượng. Động thái này được xem là dấu hiệu cho thấy tiêu thụ năng lượng tại khu vực này suy yếu, khi nhiều quốc gia phong toả để đối phó với dịch COVID-19. Ngoài ra, giá USD tăng mạnh 2 phiên làm tăng chi phí đối với những người sử dụng tiền tệ khác, gây áp lực lên các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 3.09% từ đỉnh xuống 4.568 USD/MMBTu sau chuỗi tăng kéo dài từ cuối tháng 8. Tuy nhiên, giá vẫn đang nằm ở mức cao trong vòng 4 năm.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)