NÔNG SẢN
Giá đậu tương giảm về dưới mốc hỗ trợ tâm lí 1300. Ảnh hưởng từ cơn bão Ida là thông tin chiếm phần lớn sự quan tâm của thị trường trong tuần vừa qua. Các hoạt động xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng sau bão khiến cho đậu tương ở Nam Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trong giai đoạn này là yếu tố tạo sức ép lên giá.
Dầu đậu tương giảm hơn 2% do lo ngại về nguồn cung dầu thực vật được giảm bớt trong khi lượng xuất khẩu dầu cọ Malaysia trong tháng 8 giảm mạnh gần 15%. Tuy nhiên, mức giảm đã được thu hẹp một phần nhờ mức hồi phục mạnh mẽ của thị trường dầu thô. Giá khô đậu tương cũng không tránh khỏi xu hướng giảm chung của thị trường, đặc biệt là khi mặt hàng này liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng.
Ngô là mặt hàng dẫn đầu mức giảm của thị trường nông sản do diện tích gieo trồng dự kiến ở Mỹ sẽ tăng lên 1 triệu mẫu trong báo cáo Cung - cầu tháng 9, làm giảm lo ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp ethanol cũng tiếp tục giảm xuống tuần thứ 8 liên tiếp cũng gây là yếu tố “bearish" với giá.
Lúa mì đóng cửa tuần với mức giảm nhẹ do nguồn cung thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết tiêu cực ở các quốc gia sản xuất chính vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 kết thúc tuần với mức tăng nhẹ 0.5% lên 193 cents/pound, đồng thời, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng bứt phá 2% và đóng cửa ở mức 2059 USD/tấn. Tình hình dịch bệnh diễn biến khó kiểm soát tại cả hai nước sản xuất Robusta lớn là Việt Nam và Indonesia, cộng thêm giá cước vận tại leo thang và thiếu hụt containers khiến cho rất nhiều hàng bị kẹt cứng tại các cảng. Giá cà phê Robusta vì thế được hưởng lợi và tăng liên tiếp trong 3 tuần, kéo theo giá Arabica cũng tăng.

KIM LOẠI
Cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt bật tăng trong tuần qua. Giá Bạc vượt ra khỏi biên độ đi ngang trong gần một tháng bằng mức tăng 2.87% lên 24.8 USD/ounce. Giá Bạch kim cũng tăng 1.5% lên 1021 USD/ounce. Nước Mỹ trong tháng 8 đã có thêm 235,000 việc làm, thấp hơn rất nhiều so với số liệu của tháng trước và cả số được các chuyên gia dự đoán trước đó, phản ánh mức độ hồi phục yếu kém của thị trường lao động do ảnh hưởng của biến thể Delta. Đồng USD vì thế mà suy yếu và hỗ trợ cho giá của Bạc và Bạch kim.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng đóng cửa tuần gần như không đổi so với giá tham chiếu của tuần trước, ở mức 4.33 USD/pound, trong khi đó, giá Quặng sắt tiếp tục giảm mạnh gần 8% về 145 USD/pound. Bất chấp sự suy yếu của đồng bạc xanh, cả hai mặt hàng kim loại cơ bản đều giảm trước các số liệu công nghiệp kém khả quan của Trung Quốc. Các chỉ số PMI hỗn hợp và công nghiệp trong tháng 8 đều giảm, phản ánh các hoạt động sản xuất của nước này bị suy yếu do ảnh hưởng của biến thể Delta. Giới đầu tư vì thế cũng lo ngại nhu cầu tiêu thụ của Đồng và Quặng sắt sẽ giảm mạnh khiến cho lực bán có phần dồn dập trên thị trường. Giá Quặng sắt bị ảnh hưởng mạnh hơn do còn chịu tác động bởi các chính sách hạn chế sản xuất thép của Bắc Kinh.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu WTI đóng cửa tăng tuần thứ 2 liên tiếp sau khi cơn bão Ida tàn phá bờ Vịnh Mexico và cản trở hoạt động của các cơ sở xăng dầu tại Mỹ. Kết thúc tuần, giá WTI tăng 0.8% lên 69.29 USD/thùng, trong khi Brent giảm 0.12% xuống 72.61 USD/thùng do áp lực chốt lời.
Cơn bão Ida tiếp tục là nhân tố nổi bật hỗ trợ đà tăng của giá dầu trong suốt tuần vừa qua. Mặc dù các nhà máy lọc dầu chưa khôi phục hoạt động hoàn toàn, tuy nhiên nhu cầu sử dụng dầu thô được đảm bảo phần nào khi chính quyền Mỹ mở kho dự trữ chiến lược nhằm giảm áp lực cho các sản phẩm xăng dầu. Giá cũng được hỗ trợ phần nào khi Dollar Index giảm mạnh 0.7% từ mức đỉnh trong tháng 8.Tại thị trường châu Á, nhu cầu năng lượng cũng tăng dần lên. Các yếu tố trên giúp cho thị trường duy trì tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giúp giá dầu duy trì quanh mốc 70 USD/thùng bất chấp OPEC+ tiếp tục gia tăng sản lượng trong tháng này.
Bên cạnh dầu thô, các mặt hàng khác như xăng RBOB và khí tự nhiên cũng có mức tăng ấn tượng. Đặc biệt, khí tự nhiên tăng liên tục 5 phiên và kết thúc với mức tăng 7.38% lên 4.712 USD/MMBTu – mức giá cao chưa từng thấy kể từ mùa đông 2018.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)