NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch 01/09, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT tiếp tục trải qua phiên giảm giá.
Giá đậu tương vẫn duy trì đà giảm sau khi đóng cửa dưới mức 1300. Năng lực xuất khẩu của Mỹ từ vùng Vịnh bị suy giảm nghiêm trọng do cơn bão Ida đã làm hư hỏng và thiệt hại 2 nhà ga, điều này khiến con đường xuất khẩu bị tắc nghẽn trong thời gian khá dài.
Khô đậu tương đang xác nhận nhịp giảm mạnh do lực bán kĩ thuật sau khi giảm xuống dưới mức 374. Tại Ấn Độ, 2 trong số 4 doanh nghiệp đứng đầu thị trường sản xuất dầu cọ đang xem xét đầu tư để mở rộng trồng cọ dầu trong 5 năm tới làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung dầu thực vật ở nước này. Thông tin này đã góp phần tạo áp lực lên giá dầu đậu bên cạnh đà giảm của thị trường dầu thô.
Giá ngô giảm chủ yếu do số liệu từ báo cáo của EIA cho thấy sản lượng ethanol của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tuần trước về mức 905,000 thùng/ngày, thấp hơn 28,000 thùng so với báo cáo trước. Điều này cho thấy triển vọng ngô trong ngành công nghiệp sản xuất ethanol sẽ giảm xuống trong thời gian tới và tác động “bearish" lên giá.
Lúa mì đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm hơn 1% do tốc độ xuất khẩu trong tháng 8 của Nga tăng cao hơn.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá cả hai mặt hàng cà phê phân hóa rõ rệt khi mà giá Arabica giảm 0.13% còn 195.65 cents/pound, trong khi giá Robusta bứt phá mạnh lên 2066 USD/tấn. Tổ chức cà phê thế giới ICO công bố xuất khẩu cà phê trên toàn cầu từ tháng 10/2020 – 7/2021 tăng 2.1% so với kỳ trước lên 108.9 triệu bao. Những lo ngại về khô hạn không còn hỗ trợ nhiều cho giá Arabica bởi áp lực chốt lời lớn trên thị trường sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Trái lại, sắc xanh vẫn duy trì trên thị trường Arabica London, nhờ vào những lo ngại về nguồn cung từ Việt Nam. Bài toán kép mang tên “vận chuyển và ứng phó dịch” vẫn còn rất nan giải khi số ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam đã tăng lên gần 12,000 người và các biện pháp chống dịch tiếp tục được thắt chặt.

KIM LOẠI
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Giá Bạc tăng nhẹ 0.9% lên mức 24.22 USD/ounce, giá Bạch kim giảm mạnh 1.4% còn 999.6 USD/ounce. Số liệu thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP tháng 8 thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó khiến cho đồng USD giảm mạnh và hỗ trợ cho đà tăng của Bạc. Trái lại, giá Bạch kim quay dầu giảm mạnh bởi hoạt động sản xuất trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan mạnh mẽ. Vai trò trú ẩn an toàn của Bạch kim cũng không vượt trội như Bạc nên khó có thể được hỗ trợ nhiều từ sự suy yếu của đồng USD.
Đối với hai mặt hàng kim loại cơ bản. Giá Đồng giảm hơn 2% còn 4.278 USD/ounce, giá Quặng săt giảm mạnh 6.03% còn 143 USD/tấn. Chỉ số PMI sản xuất Caixin của Trung Quốc trong tháng 8 giảm về 49.2 điểm, thấp nhất từ tháng 4/2020. Đáng chú ý, chỉ số PMI giảm về dưới 50 điểm cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đã suy yếu ở mức đáng báo động. Có thể thấy, đợt bùng phát dịch lần này ở Trung Quốc đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng ở Trung Quốc, do đó, nhu cầu tiêu thụ cho các kim loại công nghiệp có thể bị suy yếu và ảnh hưởng tiêu cực lên giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản. Giá Quặng sắt chịu nhiều áp lực hơn bởi giới chức trách ở Trung Quốc vẫn hạn chế các hoạt động sản xuất thép trong thời gian nửa cuối năm nay.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu kết thúc phiên giao dịch biến động với giá WTI tăng 0.13% lên 68.59 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm không đáng kể 0.06% xuống 71.59 USD/thùng.
OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng theo đúng lộ trình đặt ra từ trước, thêm 400,000 thùng/ngày trong tháng 8 sau khi đã điều chỉnh gia tăng nhu cầu dầu trong năm 2022 từ 3.28 triệu thùng/ngày lên 4.2 triệu thùng/ngày, giúp cho thị trường tránh tình trạng dư thừa nguồn cung ít nhất cho đến giữa năm sau bất chấp sản lượng gia tăng từ cả trong và ngoài nhóm. Lần họp này, các thành viên OPEC+ thể hiện một sự thống nhất về đường lối, là dấu hiệu đáng hoan ngênh về đồng thuận nhóm, giảm thiểu nguy cơ về các xung đột tiềm ẩn trong thời gian tới. Trong khi đó, Báo cáo Dầu khí hôm qua của EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7.2 triệu thùng, với tổng sản phẩm cung cấp (products supplied) đạt mức cao kỷ lục trong năm 22.8 triệu thùng cũng hỗ trợ tâm lý thị trường. Tuy nhiên, giá gặp sức ép khi các nhà máy lọc dầu gặp khó khăn trong việc hoạt động trở lại. Cục Thực thi An toàn và Môi trường cho biết năng suất lọc tương đương 1.7 triệu thùng/ngày tại vịnh Mexico bị mất sau khi cơn bão Ida tấn công bờ biển của Louisiana. Con số này lớn hơn mức sản lượng khai thác dầu chịu thiệt hại ở mức 1.4 triệu thùng/ngày, báo hiệu nhu cầu có thể nhỏ hơn sản lượng dầu thô tại vùng Vịnhrong thời gian tới.
Giá khí tự nhiên tiếp tục tăng khi 83% sản lượng khí tự nhiên tại Vịnh Mexico – nơi tập trung phần lớn sản lượng khí tại Mỹ - chưa phục hồi.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV