NÔNG SẢN
Đậu tương đóng cửa tuần với mức tăng 2.52% nhờ hỗ trợ từ tâm lí lạc quan về triển vọng nhập khẩu của Trung Quốc với các đơn hàng xuất hiện liên tục trong tuần. Tuy nhiên, hạn hán cải thiện ở khu vực Midwest lại là yếu tố hạn chế đà tăng của giá.
Dầu đậu tương dẫn đầu đà tăng của thị trường với mức tăng 6.51%. Mức tăng mạnh của giá dầu thô, đặc biệt là sau phát biểu của Chủ tịch Fed sau Hội nghị Jackson Hole cũng đã kéo theo giá dầu đậu. Diễn biến tăng vọt này của dầu đậu tiếp tục là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá khô đậu, khiến đây là mặt hàng duy nhất giảm nhẹ 0.7% trong tuần qua.
Giá ngô tăng 3.12%, nhưng vẫn đang ở trong khoảng tích luỹ đi ngang. Yếu tố chính hỗ trợ cho giá ngô đến từ hoạt động mua hàng của các nước nhập khẩu chính. Ngược lại, sản lượng ethanol giảm 7 tuần liên tiếp và triển vọng nguồn cung tại Brazil cho niên vụ tới tăng lên đã hạn chế đà tăng này của giá.
Lúa mì CBOT chỉ tăng không đáng kể 0.58% trong tuần vừa qua. Trong khi nguồn cung thế giới thắt chặt và diễn biến giảm của đồng Dollar là yếu tố hỗ trợ giá thì lượng mưa lớn đem theo độ ẩm cho đất ở các khu vực sắp gieo trồng lúa mì vụ đông lại tác động “bearish", cân bằng lại giá lúa mì.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng gần 6% lên 192.2 cents/pound, giá Robusta bứt phá hơn 7% lên 2018 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Giá Robusta là động lực kéo cả thị trường Cà phê trên hai Sở đi lên trong tuần vừa qua. Những lo ngại về chuỗi vận chuyển do thiếu hụt container và giá cước vận tải biển leo thang vẫn là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát ở hai nước sản xuất Robusta lớn là Việt Nam và Indonesia càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của thị trường khiến cho lực mua áp đảo trong cả tuần qua. Ngoài những yếu tố cung cầu, sự suy yếu của đồng USD là một lý do khác thúc đẩy thị trường vào cuối tuần qua.

KIM LOẠI
Ở thị trường kim loại quý, giá Bạc tăng 4.1% lên 24.06 USD/ounce, giá Bạch kim tăng 1.2% lên 1006.5 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD chính là yếu tố hỗ trợ cho giá của cả hai mặt hàng kim loại quý hồi phục. Trong bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết về khả năng sẽ giảm tốc độ thu mua tài sản trong năm nay do nền kinh tế Mỹ đã đạt được những tiến triển nhất định, tuy nhiên, mức lãi suất thấp sẽ vẫn được duy trì do thị trường lao động vẫn hồi phục thiếu ổn định. Đồng thời, biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ cũng là một yếu tố khiến cho FED cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các chính sách thắt chặt. Thông tin này không gây bất ngờ đối với giới đầu tư, tuy nhiên việc FED có thể giữ nguyên lãi suất thấp, cộng thêm các gói ngân sách trị giá hàng nghìn tỉ USD của Tổng thống Biden được thông qua cũng khiến cho đồng USD bị mất giá.
Thị trường kim loại cơ bản cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm của đồng bạc xanh. Giá Đồng tăng 4.4% lên 4.318 USD/pound, giá Quặng sắt bứt phá hơn 13% lên 158 USD/tấn. Giá Đồng được hỗ trợ trong bối cảnh tình hình đình công tại các mỏ đồng lớn ở Chile vẫn tiếp tục leo thang khi các công ty khai thác không đạt được thỏa thuận tiền lương với công đoàn. Ở thị trường Quặng sắt, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường trong thời gian tới sau khi dịch bệnh được kiểm soát, khiến cho lực mua bắt đáy mạnh trong bối cảnh đồng USD suy yếu.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần, giá WTI tăng 10.62% lên 68.74 USD/tuần, giá Brent tăng 11.54% lên 72.7 USD/thùng.
Giá được hỗ trợ phần nào từ tâm lý “bắt đáy” trên thị trường sau khi đã rơi vào trạng thái quá bán trước đó. Tình hình COVID-19 cải thiện với dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại Trung Quốc và Mỹ, kết hợp với giá Dollar giảm mạnh đã hỗ trợ giá các hàng hoá định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có các mặt hàng nhóm năng lượng.
Giá phần nào được hỗ trợ bởi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. Theo Cục An toàn và Thực thi Môi trường, tính đến hết 29/08, sản lượng khai thác đã giảm 1.74 triệu thùng/ngày (tương đương 15% sản lượng dầu thô tại Mỹ) trong khi công suất lọc dầu giảm 2.11 triệu thùng/ngày (tương đương 12% tổng công suất lọc tại Mỹ) khi các nhà máy dọc theo sông Mississippi đóng cửa hoặc giảm công suất.
Giá xăng và khí tự nhiên đều tăng mạnh do ảnh hưởng từ bão Ida – hiện đã lên mức 4. Cơ quan quản lý ngoài khơi cho biết, các cơ sở phụ trách gần 94% sản lượng khí đốt tự nhiên ở Vịnh Mexico đã đóng cửa do bão. Trong khi đó, các đường ống dẫn xăng cũng tạm dừng để đảm bảo an toàn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)