NÔNG SẢN
Đậu tương đóng cửa tuần với mức giảm 5.44%, xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua. Các số liệu tích cực về chất lượng đậu tương ở phần lớn các vùng gieo trồng sau cuộc khảo sát của Pro Farmer, kết hợp với khung thời tiết thuận lợi ở phía Bắc Midwest trong vài ngày tới đã khiến giá rơi khỏi mốc hỗ trợ tâm lý 1300 cents.
Dầu đậu tương chứng kiến mức giảm nghiêm trọng hơn 10% trong tuần trước. Thị trường dầu thô trải qua 7 phiên giảm liên tiếp là yếu tố chính gây sức ép lên mặt hàng này bên cạnh tâm lý e ngại rủi ro đối với thị trường hàng hóa sau biên bản họp FOMC của Fed. Diễn biến trái chiều đã khiến cho giá khô đậu tương chỉ giảm nhẹ 1.53%.
Giá ngô giảm mạnh 6.28%, phá vỡ vùng nền tích luỹ đi ngang từ cuối tháng 7. Bên cạnh những lo ngại về nguồn cung được giảm bớt, triển vọng tiêu thụ ngô trong pha trộn nhiên liệu sinh học có thể giảm xuống là yếu tố tạo tác động “bearish” lên giá.
Lúa mì CBOT cũng giảm gần 6% do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của giá ngô. Đồng Dollar đang ở mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây, khiến cho giá lúa mì Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn cũng tạo áp lực lên giá.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Đóng cửa tuần qua, hợp đồng cà phê Arabica tháng 12 giảm 2.3% còn 181.5 cents/pound, trong khi đó, sắc xanh vẫn duy trì trên sở ICE EU khi giá Robusta kết thúc tuần với mức tăng 2.5% lên 1882 USD/tấn. Các thông tin về nguồn cung không còn hỗ trợ nhiều cho giá Arabica, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng của biến thể Delta. Bên cạnh đó, tồn kho cà phê ở khu vực Bắc Mỹ tăng trong tháng 7 và thiệt hại của đợt băng giá vừa qua ở Brazil không nghiêm trọng như dự đoán trước đó cũng là những nguyên nhân khiến cho giá Arabica giảm. Trái lại, giá Robusta vẫn duy trì được đà tăng bởi những khó khăn trong chuỗi vận chuyển trên toàn cầu vẫn hỗ trợ tốt cho giá. Bên cạnh đó, mức chiết khấu 53% cho giá Robusta vẫn là một yếu tố thúc đẩy lực mua vào để cân bằng lại sự chênh lệch giá rộng giữa hai Sở.
KIM LOẠI
Các mặt hàng kim loại cũng không tránh khỏi đà bán tháo của các nhà đầu tư trong tuần qua. Hai mặt hàng kim loại quý là Bạc và Bạch kim giảm trung bình 3% xuống mức đóng cửa lần lượt là 23.11 USD/ounce và 994 USD/ounce. Thị trường kim loại quý vốn đã gặp nhiều khó khăn trước sức ép của đồng USD từ giữa tuần khi mà FED đưa ra các tín hiệu sẽ cắt giảm bớt các chính sách nới lỏng tiền tệ ngay trong năm nay. Cuối tuần vừa qua, sức ép được gia tăng khi mà thị trường lao động Mỹ tiếp tục hồi phục tích cực hơn so với dự đoán, khiến cho đồng bạc xanh tăng mạnh và làm cho lực bán ở thị trường Bạc và Bạch kim càng áp đảo hơn. Chỉ số Dollar Index tăng lên 93.5 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm gần 6% về 4.137 USD/pound, tương đương với mức 9120 USD/tấn. Bất chấp những lo ngại về nguồn cung do các cuộc đình công diễn ra tại các mỏ đồng lớn ở Chile, giá Đồng vẫn đóng cửa tuần với mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng bởi nhu cầu tiêu thụ kim loại này được dự báo sẽ giảm mạnh khi mà biến thể Delta vẫn chưa được kiểm soát và gây ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các số liệu yếu kém ở phía Trung Quốc.
Không chỉ có giá Đồng, giá Quặng sắt cũng sụt giảm mạnh 13% còn 138 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Giá Quặng sắt đã giảm gần 40% kể từ tháng 5 năm nay, khi liên tiếp hứng chịu những sức ép đến từ Bắc Kinh và những ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Phần lớn các nhà máy thép ở Đường Sơn đều phải cắt giảm sản lượng để thực hiện mục tiêu “Olympic xanh” của Chính phủ Trung Quốc, do đó nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào là Quặng sắt cũng sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh cũng gây sức ép không nhỏ lên giá của cả hai kim loại cơ bản, và yếu tố này có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
NĂNG LƯỢNG
Đóng cửa tuần, dầu WTI giảm 8.9% xuống 62.14 USD/thùng, dầu Brent giảm 7.66% xuống 65.18 USD/thùng.
Các dấu hiệu về sự suy yếu trong sản xuất và tiêu dùng xuất hiện ở cả Mỹ và Trung Quốc – 2 quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới với các dữ liệu kinh tế vĩ mô tuần trước đều thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Số ca nhiễm COVID-19 liên tục gia tăng tại nhiều khu vực trọng yếu đe doạ phá vỡ chu trình sản xuất và chuỗi cung ứng vẫn đang phục hồi từ tác động của đợt dịch năm ngoái. Trong khi đó, các lệnh giãn cách và phong toả nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch đe doạ nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là ngành hàng không.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED có động thái cắt giảm dần các gói hỗ trợ đúng lúc tăng trưởng kinh tế Mỹ hạ nhiệt cũng gây ra tác động tiêu cực trên thị trường năng lượng. Dollar Index tăng 4 phiên liên tục và lên mức đỉnh 9 tháng gây sức ép lớn đến các mặt định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.
Khí tự nhiên giảm nhẹ 0.23% xuống 3.866 USD/MBTu theo đà chung của dầu thô.