NÔNG SẢN
Đậu tương nối dài chuỗi 3 phiên giảm liên tục với giá đóng cửa thấp hơn 2.46%, về mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua trước dự báo thời tiết được cải thiện ở khu vực Midwest. Số liệu bán hàng niên vụ 21/22 và giao hàng trong tuần qua đều tăng mạnh nhưng đã nằm trong khoảng dự đoán của thị trường nên tác động “bullish” sẽ không đáng kể.
Dầu đậu tương tiếp tục dẫn đầu đà giảm của thị trường do chịu áp lực từ sự suy yếu của giá dầu cọ và thị trường dầu thô khi giá dầu Brent đã chạm mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Giá khô đậu cũng giảm 1.86% trước sức ép từ xu hướng giảm chung của thị trường.
Giá ngô đóng cửa với mức giảm mạnh 2.5%, và quay về vùng nền tích luỹ từ cuối tháng 7. Kết quả ngày thứ 3 của cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm – Crop Tour 2021 do Tạp chí Pro Farmer Journal tổ chức cho thấy năng suất ngô ở 2 bang có sản lượng chiếm gần 1/3 nguồn cung ở Mỹ đều tăng lên so với Crop Tour năm ngoái là thông tin tạo “bearish” lên giá.
Lúa mì CBOT giảm 1.34% do áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua. Tuy nhiên, sản lượng lúa mì trong năm 2021 của Kazakhstan dự báo thấp hơn 18% so với năm 2020 và thấp hơn 12.5 triệu tấn so với dự báo của USDA do năng suất sụt giảm là thông tin hỗ trợ giúp lực mua tăng trở lại vào cuối phiên hôm qua.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc đỏ quay trở lại với thị trường cà phê khi giá Arabica giảm 0.85% còn 181.3 cents/pound, giá Robusta đồng thời giảm 0.75% còn 1863 USD/tấn. Đồng USD tăng mạnh đã gây sức ép lên toàn bộ thị trường hàng hóa và Cà phê cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh. Bên cạnh đó, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Brazil (TRS), đợt băng giá vừa qua không nghiêm trọng như những dự đoán trước đó với khoảng 2.7 triệu bao trong tổng số 68 triệu bao được thu hoạch vào năm sau, tương đương với mức tổn thất 3.9%. Đây là ước tính thiệt hại thấp nhất so với dự báo trước đó là 4.5 triệu bao của công ty xuất khẩu Guaxupe và con số 20% sản lượng của vùng Minas Gerais từ công ty xuất khẩu Comexim. Do đó, giá cà phê vốn được hỗ trợ yếu ớt, nay chỉ cần một yếu tố tiêu cực là đồng USD tăng giá cũng có thể khiến cho cả hai mặt hàng đều chịu áp lực bán và quay đầu giảm.

KIM LOẠI
Giá Bạc giảm 0.8% còn 23.23 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm 2.5% còn 971 USD/ounce. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần này tiếp tục giảm mạnh so với dự báo của giới chuyên gia còn 348,000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Tín hiệu cho sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định của thị trường lao động Mỹ có thể khiến FED sớm thu hẹp chương trình mua tài sản hàng tháng ngay trong năm nay, và làm tăng giá trị của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên 93.5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020 và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tiếp tục suy yếu gần 2% về 4.04 USD/pound, giá Quặng sắt giảm mạnh 12.44% về 130.6 USD/tấn. Ngoài sức ép đến từ đồng bạc xanh, giá cả hai mặt hàng kim loại cơ bản đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ phía Trung Quốc. Biến thể Delta lây lan mạnh mẽ khiến cho các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước này rơi vào trạng thái đình trệ, nhu cầu tiêu thụ Đồng và Quặng sắt theo đó cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, các động thái của Bắc kinh trong việc kiểm soát giá cả hàng hóa và thực hiện chiến dịch “Olympic xanh” cũng góp phần khiến cho giá Quặng sắt hứng chịu đợt sụt giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục giảm ngày hôm qua với giá WTI đóng cửa giảm 2.62% xuống 63.5 USD/thùng, giá Brent giảm 2.61% xuống 66.45 USD/thùng khi triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu.
Triển vọng kinh tế thế giới suy yếu đáng kể từ cuối tháng 7, với nguyên nhân chủ yếu là tác động của dịch COVID-19 lan ra hầu hết các nước trên thế giới. Tỷ lệ tử vong tại Mỹ liên tục tăng trong những ngày gần đây tại các bang có số người tiêm chủng vắc-xin thấp. Trong khi đó, Dollar Index đạt đỉnh 9 tháng sau 4 phiên tăng liên tiếp do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ sớm cắt giảm các gói kích thích trong vài tháng tới.
Mặc dù Báo cáo dầu hàng tuần của EIA vẫn cho thấy tiêu thụ xăng dầu của Mỹ vẫn tiến sát với mức “bình thường” trong năm 2019, tuy nhiên xuất khẩu suy yếu đã chỉ ra nhu cầu thấp dần tại các khu vực khác.
Trong một số trường hợp, dầu thô có thể được sử dụng thay thế để sản xuất điện, do đó khí tự nhiên liên tiếp chịu sức ép từ đà giảm của giá dầu trong những phiên gần đây.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)