NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 8, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT đều đồng loạt giảm giá.
Giá đậu tương giảm về dưới vùng hỗ trợ tâm lí 1300 khi triển vọng thu hoạch ở Midwest ngày càng rõ ràng hơn do những cơn mưa xuất hiện liên tục trong thời gian gần đây đang mang lại cải thiện đáng kể đối với chất lượng cây trồng.
Giá dầu đậu tương mặc dù đã hồi phục gần một nửa mức giảm trong phiên tối nhưng vẫn là mặt hàng giảm mạnh nhất thị trường do áp lực từ diễn biến suy giảm của giá dầu cọ và giá dầu thô suy yếu. Giá khô đậu tương cũng không thoát khỏi xu hướng giảm của thị trường chung và giảm về dưới mức hỗ trợ quan trọng ở vùng 347.
Ảnh hưởng từ bão Ida đổ bộ khiến thời tiết ôn hoà hơn giúp hỗ trợ sự phát triển của cây ngô cũng là yếu tố tạo áp lực lên giá mặt hàng này. Ngược lại, dự báo của giới phân tích về sản lượng ngô niên vụ 20/21 ở Brazil chỉ còn 82 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với tuần trước là yếu tố giúp thu hẹp mức giảm của ngô.
Lúa mì mặc dù chỉ giảm 0.17% nhưng là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý khi giá bị đẩy mạnh xuống hơn 20 cents nhưng lực mua ngay lập tức hỗ trợ giá trở lại gần mức mở cửa. Dự báo sản lượng lúa mì trong năm 2021 của Nga bị hãng tư vấn Sovecon giảm thêm 0.8 triệu tấn so với báo cáo giữa tháng 8, xuống còn 75.4 triệu tấn. Nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong dài hạn.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm 2% còn 195.9 cents/pound trong khi giá Robusta nhích nhẹ 0.4% lên 2026 USD/tấn. Đáng chú ý, cả hai mặt hàng đều đóng cửa với mức giảm so với đầu phiên. Thị trường Robusta tăng khi mở phiên để cân chỉnh lại với mức tăng của giá Arabica trong phiên thứ hai, sau đó, giá Cà phê ở hai sở đều giảm bởi áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Diễn biến của phiên hôm qua cũng không gây bất ngờ quá nhiều đối với giới đầu tư, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định giá sẽ đảo chiều.

KIM LOẠI
Giá Bạc giằng co trong suốt cả phiên và kết thúc không thay đổi so với phiên trước đó, ở mức 24 USD/ounce, trái lại, giá Bạch kim tăng nhẹ 1.2% lên 1014.1 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index cũng đi ngang với mức biến động chỉ 0.03%, hiện ở mức 92.6 điểm. Thị trường kim loại quý không có quá nhiều biến động trong bối cảnh các nhà đầu tư đều chờ đợi các số liệu việc làm của tuần này. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 8 ở Mỹ đã giảm mạnh so với dự báo, đây có thể là chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã bị tổn thất do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng gần như không thay đổi so với phiên trước đó với mức đóng cửa là 4.375 USD/ounce, trong khi giá Quặng sắt giảm mạnh gần 3% về 152.16 USD/tấn. Các số liệu công nghiệp tiêu cực từ phía Trung Quốc đã gây sức ép rất nhiều lên giá của cả hai mặt hàng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 8 của Trung Quốc tiếp tục giảm về 50.1 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020, phản ánh hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 8 do ảnh hưởng của biến thể Delta. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của cả hai kim loại này dự kiến sẽ phục hồi khi Trung Quốc bước vào mùa xây dựng, do đó, giá của Đồng và Quặng sắt sẽ tiếp tục được hỗ trợ.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.1% xuống 68.5 USD/thùng, giá Brent giảm 0.83% xuống 71.63 USD/thùng. Tính từ đầu tháng, WTI đã đánh mất 7.5%.
Giá dầu trải qua nhiều biến động trong tháng này, với các chuỗi giảm sâu và tăng mạnh thay phiên nhau khi thị trường rơi vào hoảng loạn. Các nhà đầu tư phản ứng mạnh trước các tin tức dịch COVID-19 gia tăng trở lại lên 2 nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc gây áp lực lên sức khoẻ kinh tế toàn cầu. Chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất và phi sản xuất của Trung Quốc tháng 8 thấp hơn so với kỳ vọng và các hoạt động kinh tế có dấu hiệu thu hẹp dưới tác động của các lệnh phong toả nghiêm ngặt trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, theo báo cáo tối qua, niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ cũng sụt giảm tương đối mạnh xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, có thể là tín hiệu người dân cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới khi lo ngại về dịch bệnh và lạm phát gia tăng.
Số liệu của Viện Dầu khí Mỹ ngày hôm qua, mặc dù tồn kho dầu thô giảm 4 triệu thùng, tuy nhiên tồn kho xăng tăng mạnh 2.7 triệu thùng sẽ gây áp lực cho giá trong phiên hôm nay. Tồn kho xăng giảm mạnh trong thời gian trước khi người dân tích gia tăng tích trữ cho mùa mua bão, do đó nhu cầu xăng đã điều chỉnh giảm trở lại trong tuần này.
Giá khí tự nhiên lập đỉnh mới với khi các nhà máy tại Vịnh Mexico tiếp tục đóng cửa gây thiệt hại đến khoảng 90% công suất khí tự nhiên. Khu vực này chiếm 51% tổng công suất nhà máy xử lý khí đốt tự nhiên của Mỹ.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)