NÔNG SẢN
Giá đậu tương biến động mạnh cả 2 chiều nhưng đóng cửa chỉ giảm nhẹ. Theo số liệu từ cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 9 của nước này đạt 6.88 triệu tấn, giảm mạnh 30% so với cùng kì năm trước. Nhu cầu về đậu tương suy yếu trong 2 năm gần đây phần nhiều do giá lợn hơi tại quốc gia này giảm mạnh, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp và tạo áp lực lên giá.
Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất tăng giá trong phiên hôm qua. Đà tăng của dầu đậu tương được hỗ trợ và giữ vững nhờ những diễn biến tích cực của giá dầu cọ và giá dầu thô. Ngoài ra, việc chính phủ Ấn Độ cắt giảm thuế nhập khẩu dầu thực vật xuống mức 0% cũng là yếu tố chính hỗ trợ cho giá mặt hàng này. Áp lực trái chiều cũng khiến giá khô đậu tương giảm nhẹ.
Giá ngô giảm mạnh về gần mức hỗ trợ tâm lí 500 cents. Bên cạnh tác động từ báo cáo Cung - cầu vẫn được duy trì trong phiên hôm qua, tốc độ gieo trồng đậu tương của Brazil được thúc đây bởi những cơn mưa rải rác khắp Brazil cũng góp phần tạo áp lực lên giá mặt hàng này.
Lúa mì đóng cửa với mức giảm mạnh nhất thị trường. Thông tin gây áp lực lên giá bên cạnh lực bán chung bao trùm lên thị trường nông sản trong phiên hôm qua là tiến độ gieo trồng lúa mì mùa đông ở Mỹ đang được đẩy mạnh, nhờ lượng mưa thuận lợi.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica tháng 12 giảm hơn 2% còn 208.7 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 giảm nhẹ 0.5% còn 133 USD/tấn. Sau phiên tăng mạnh, giá cả hai mặt hàng cà phê đang có xu hướng giảm điều chỉnh bởi với những tin tức hiện tại, thì mức giá của phiên thứ 3 có phần khiến giá cà phê được định giá đắt hơn giá trị thật. Mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US tiếp tục giảm nhẹ về 1.912 triệu bao khi kết thúc phiên hôm qua, cho thấy đà giảm đã yếu dần. Dù hiện tượng La Nina có thể quay lại trong tháng này và khiến thời tiết ở ở Brazil khô hơn bình thường, nhưng việc các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil liên tục có mưa gần đây cũng khiến cho nỗi lo về nguồn cung phần nào dịu đi. Ở thị trường Robusta, dù số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 9 cả về khối lượng, lẫn giá trị nhưng sức ép bán trên Sở New York cũng tác động không nhỏ lên tâm lý các nhà đầu tư ở London, khiến cho giá Robusta không tránh khỏi sức ép và giảm.
Bên cạnh hai mặt hàng cà phê, các mặt hàng khác như ca bông và đường cũng đồng loạt lao dốc.
Hợp đồng đường 11 giảm 1% còn 19.86 cents/pound, hợp đồng đường trắng giảm 0.6% còn 514 USD/tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm ước tính nhập khẩu đường năm 2021/22 còn 3 triệu tấn, giảm 6.6% so với tháng trước. Mỹ hiện là nhà nhập khẩu đường lớn thứ 3 thế giới nên số liệu trên đang phản ánh nhu cầu tiêu thụ đường giảm và gây áp lực lên giá. Bên cạnh đó, giá hai mặt hàng dầu thô giảm cũng khiến áp lực bán trên thị trường đường mạnh hơn.
Giá bông vẫn đang trong chu kỳ giảm điều chỉnh. Hợp đồng bông tháng 3/2022 giảm phiên thứ 4 liên tiếp về 103.86 cents/pound.
KIM LOẠI
Giá bạc tăng mạnh gần 3% lên 23.17 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 3 tuần, giá bạch kim tăng 1.24% lên 1024.2 USD/ounce. Trong phiên hôm qua, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 9 tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 5.4% so với năm ngoái. Chỉ số CPI lõi, loại trừ giá lương thực và năng lượng cũng tăng 4% so với năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất ở Mỹ trong vòng 1 thập kỷ, phản ánh sức mạnh của đồng USD đang yếu đi, nên bất chấp những dữ kiện cho thấy FED sẽ giảm tốc độ thu mua trái phiếu trong tháng 11, đồng USD vẫn giảm mạnh. Chỉ số Dollar Index giảm về 94 điểm trong phiên hôm qua, và hỗ trợ cho vai trò trú ẩn của các kim loại quý như vàng, bạc, và bạch kim.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tăng mạnh 4.4% lên 4.51 USD/pound, mức cao nhất trong vòng 2.5 tháng. Những lo ngại về Trung Quốc không khiến cho các nhà đầu tư đồng quá lo lắng bởi số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan của nước này vẫn cho thấy nhập khẩu đồng trong tháng 9 của Trung Quốc vẫn tăng, phản ánh kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới, và nhu cầu đồng được dự đoán sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn duy trì phát triển năng lượng xanh bất chấp Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng điện nghiêm trọng do thiếu hụt than, cũng là yếu tố hỗ trợ giá đồng trong dài hạn.
Trái lại, giá quặng sắt giảm hơn 5% còn 121 USD/tấn, khi dữ liệu cho thấy nhập khẩu quặng sắt trong tháng 9 của Trung Quốc giảm, phản ánh nhu cầu tiêu thụ bị suy yếu do các hoạt động sản xuất thép bị hạn chế để giữ gìn bầu không khí trong lành cho kỳ Thế vận hội mùa đông diễn ra vào đầu năm sau.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.25% xuống 80.44 USD/thùng, giá Brent giảm 0.29% xuống 83.18 USD/thùng.
Mặc dù OPEC hạ dự báo tiêu thụ dầu năm 2021, nhưng con số này chủ yếu do nhóm hạ ước tính tiêu thụ trong 3 quý đầu năm, trong khi nhu cầu trong quý IV tăng 120,000 thùng/ngày. EIA nâng kỳ vọng tiêu thụ 3 tháng cuối năm lên hơn 200,000 thùng/ngày, trong khi sản lượng dầu của Mỹ cuối năm bị điều chỉnh giảm so với báo cáo tháng trước, chủ yếu do tác động của bão Ida. Như vậy, cán cân cung cầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt, và trở thành yếu tố hỗ trợ giá dầu trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá dầu vẫn chịu sức ép chốt lời, do tâm lý lo sợ lạm phát năng lượng lan rộng có thể gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế thế giới, khi cả IMF lẫn các tổ chức khác như ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và nhóm nước phát triển do giá nhiên liệu cao. Số liệu CPI tháng 9 tối qua thể hiện lạm phát tại Mỹ cao nhất trong vòng 1 thập kỷ cũng gây sức ép lên tâm lý thị trường chung. EIA dự đoán, chi phí nhiên liệu của các hộ gia đình Mỹ có thể tăng đến 43% so với năm ngoái.