NÔNG SẢN
Đậu tương tiếp tục có tuần giảm thứ 5 trên 6 tuần gần nhất, đẩy giá xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Tại Brazil, hoạt động bán hàng đậu tương vẫn ảm đạm, bất chấp hoạt động gieo trồng diễn ra thuận lợi khi người nông dân vẫn giữ thái độ thận trọng và chỉ bán khi được giá. Thông tin này không đủ mạnh để giúp giá bật tăng, nhưng là yếu tố nâng đỡ giúp giá đậu tương chỉ đóng cửa giảm nhẹ.
Việc một loạt các nhà máy ép dầu của Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động còn khiến giá dầu cọ tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử, hỗ trợ cho giá dầu đậu. Kết hợp với diễn biến giằng co đi ngang của đậu tương, đã khiến cho khô đậu chịu toàn bộ sức ép trái chiều và đóng cửa tuần với mức giảm khá mạnh 2.5%
Giá ngô chịu áp lực từ việc thu hoạch được đẩy mạnh ở Mỹ và nguồn cung gia tăng ở Brazil trong tuần vừa rồi. Bên cạnh đó, USDA chi nhánh Trung Quốc đã giảm mạnh dự báo nhập khẩu ngô trong niên vụ tới của nước này về mức 20 triệu tấn, thấp hơn đến 6 triệu tấn so với báo cáo trước đó. Điều này cũng góp phần tạo sức ép lên giá ngô.
Lúa mì là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản. Tốc độ xuất khẩu xuất khẩu lúa mì của Ukraine và khối EU đều đang nhanh hơn so với niên vụ trước, đặc biệt là mức tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái của khối EU. Điều này tạo áp lực về tính cạnh tranh với lúa mì CBOT và là thông tin “bearish" với giá.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm 1.3% còn 201.35 cent/pound, giá Robusta cũng đóng cửa với mức giảm 2.35% còn 2117 USD/ounce. Lực mua trên cả hai thị trường đều đã yếu dần trước áp lực chốt lời của các quỹ.
Dù mưa đã xuất hiện rải rác tại các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil nhưng nỗi lo nguồn cung bị thắt chặt của các nhà đầu tư vẫn chưa dịu đi, khi mà mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US vẫn không ngừng giảm, hiện đã về dưới 2 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.
Đà tăng của giá Robusta cũng chững lại nhờ các tin tức tích cực ở Việt Nam. Các tỉnh phía Nam đã được nới lỏng giãn cách và chuỗi cung ứng hàng hóa đang được nối lại. Bên cạnh đó, giá cước tàu biển trên thế giới đang có xu hướng giảm do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc.
Trái lại, giá bông bật tăng mạnh mẽ gần 6% trong tuần vừa qua, do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt để đáp ứng các sản phẩm may mặc trong mùa mua sắm cuối năm. Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tuần ở mức 2438 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 10 năm.
Hai mặt hàng đường tiếp tục nối dài đà tăng với hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 1.15% lên 20.3 USD/pound, hợp đồng đường trắng tháng 12 tăng 1.72% lên 519.7 USD/tấn.
KIM LOẠI
Giá bạc tăng khiêm tốn gần 1% lên 22.7 USD/ounce, trong khi giá bạch kim có phiên tăng mạnh nhất trong vòng 5 tuần khi đóng cửa cao hơn gần 6% lên 1028 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý chịu áp lực từ đầu tuần khi đồng USD tăng mạnh sau số liệu việc làm tích cực đến từ báo cáo của ADP. Tuy nhiên, phe mua đã có một cuộc lội ngược dòng trong phiên thứ 6 khi Số liệu Bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động giảm so với kỳ trước và tiêu cực hơn so với dự báo trước đó, chỉ đạt gần 330,000 người. Việc thị trường lao động Mỹ lại hồi phục thiếu ổn định có thể khiến FED tiếp tục trì hoãn thời hạn giảm mua trái phiếu, và làm suy yếu đồng bạc xanh. Tuy nhiên đây lại là yếu tố đề cao vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim. Chỉ số Dollar Index đóng cửa tuần ở mức 94.07 điểm.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tăng 2% lên 4.27 USD/ounce nhờ vào những lo ngại về nguồn cung ở Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 trên thế giới. Liên tiếp các cuộc biểu tình của người dân đã diễn ra nhằm chặn tuyến đường vận chuyển huyết mạch của các mỏ đồng ra các cảng xuất khẩu, và buộc các nhà máy phải tạm dừng hoạt động.
Giá quặng sắt đi ngang ảm đạm trong 4 phiên đầu tuần nhưng tăng vọt gần 9% lên 124.7 USD/tấn sau khi dòng vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc quay lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh. Giá quặng sắt dù đã giảm mạnh so với mức đỉnh hồi tháng 7, tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng thị trường sẽ vẫn sôi động trong cuối năm nay.
NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tăng mạnh 4.57% lên 79.35 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 3.92% lên 82.39 USD/thùng.
Quyết định giữ nguyên hạn ngạch gia tăng sản lượng ở mức 400,000 thùng/ngày của OPEC+ đúng lúc khủng hoảng năng lượng lan rộng trên khắp các thị trường trọng điểm như châu Âu và Trung Quốc đã đẩy giá Brent lên mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2018. Mặc dù chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ tìm cách để bình ổn lại thị trường xăng dầu, tuy nhiên, đến giờ, vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được thông báo chính thức.
Giá cũng được thúc đẩy bởi đà tăng tại thị trường khí tự nhiên. Hiện tại, khí tự nhiên là một trong những nhiên liệu hoá thạch chính được sử dụng rộng rãi nhất để sản xuất điện, với lợi thế lớn là ít gây ô nhiễm so với dầu và than. Điều này khiến cho khí tự nhiên trở thành nguồn nhiên liệu “chuyển đổi” khi các quốc gia hướng tới mục tiêu năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc Nga không tăng sản lượng nhiều lên bất chấp nhu cầu ngày càng lớn khiến cho giá khí tự nhiên tăng kỷ lục, thúc đẩy các nước quay trở lại việc sử dụng dầu để giảm chi phí đầu vào, với JP Morgan Chase cho biết nhu cầu về dầu thô có thể tăng đến hơn 2 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay.
Giá khí tự nhiên giảm điều chỉnh 0.96% xuống 5.56 USD/MMBTu, tuy nhiên vẫn nằm gần mức đỉnh 12 năm.