NÔNG SẢN
Giá đậu tương phục hồi trở lại gần 1% sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Mặc dù chịu sức ép từ việc thời tiết thuận lợi ở các vùng sản xuất chính của Mỹ và Brazil, tuy nhiên lực mua kỹ thuật kết hợp với đà tăng mạnh của giá dầu đậu đã giúp giá vượt trở lại mốc kháng cự tâm lý 1200.
Mặc dù giá dầu cọ giảm mạnh do áp lực chốt lời sau khi lập đỉnh lịch sử, nhưng xu hướng tăng mạnh của giá dầu thô thế giới sau khi các nước OPEC không thể hiện ý định gia tăng sản lượng, đã giúp cho giá dầu đậu tiếp tục tăng mạnh và vượt lên khỏi mức kháng cự quan trọng 60 cents.
Giá ngô cũng phục hồi gần 1% sau 2 phiên giảm rất mạnh trước đó. Bên cạnh việc được ảnh hưởng tích cực từ mức tăng chung của toàn bộ nhóm nông sản, sản lượng ethanol có tuần tăng thứ 2 liên tiếp để vượt lại mức 1 triệu thùng/ngày và tồn kho ethanol tiếp tục giảm là yếu tố chính hỗ trợ cho giá ngô trong phiên hôm qua.
Lúa mì Chicago đóng cửa với mức tăng xấp xỉ gần 1%, với các diễn biến tương tự với ngô. Giá mặc dù không rung lắc mạnh trong đầu phiên tối, tuy nhiên việc đồng Dollar giảm nhẹ, kết hợp với thời tiết bất lợi ở Mỹ và Argentina đã giúp lực mua duy trì liên tục trong phiên.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabcia tăng 0.3% lên 209.25 cents/pound, còn hợp đồng Robusta đóng cửa ở mức gần như không đổi so với phiên trước đó, tăng chỉ 2 USD lên 2135 USD/tấn. Sau phiên giảm điều chỉnh vào thứ 4, giá Arabica bật tăng trở lại nhờ tin tức tiêu cực về nguồn cung ở Brazil. Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê ở Brazil công bố xuất khẩu cà phê trong tháng 9 ở Brazil giảm gần 30% do những gián đoạn về chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Chi phí vận tải không ngừng leo thang đã khiến cho rất nhiều công ty xuất khẩu cà phê ở Brazil gặp nhiều khó khăn. Trái lại, giá Robusta không được hỗ trợ nhiều bởi nỗi lo gián đoạn chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã phần nào dịu đi trên thị trường nên giá giằng co mạnh và không giảm nhờ tâm lý tích cực được lan tỏa từ Sở ICE US.
Giá ca cao tiếp tục giảm 0.7% còn 2584 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, bởi nhu cầu tiêu thụ đang có dấu hiệu sụt giảm. Lượng ca cao xay trong quý III của châu Âu tăng 8.7% so với một năm trước đó nhưng chỉ 3.5% so với cùng kỳ năm 2019 tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Sắc đỏ tiếp tục duy trì trên thị trường đường khi cả hai mặt hàng đồng loạt giảm. Hợp đồng đường 11 đóng cửa thấp hơn 1.4% về mức 19.6 cents/pound, hợp đồng đường trắng giảm 0.23% còn 512.9 USD/tấn. Dù sản lượng ở Brazil được dự báo giảm nhẹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa được kỳ vọng sẽ tăng, cộng hưởng với việc giá đường vẫn đang nằm trong giai đoạn giảm điều chỉnh nên lực bán vẫn áp đảo hơn so với lực mua.
KIM LOẠI
Giá bạc tăng 1.32% lên 23.47 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 1 tháng, giá bạch kim tăng mạnh gần 3% lên 1052 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 2.5 tháng. Như đã dự đoán, cả hai mặt hàng kim loại quý đều đang được hỗ trợ trong ngắn hạn do áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đang ở mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ, khiến cho vai trò của đồng USD yếu đi. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần này cũng giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2020 nhưng không đủ để hỗ trợ đồng USD tăng giá, bởi các số liệu việc làm khác nhau ở Mỹ có sự phân hóa mạnh. Tuy nhiên, một lý do khác không những chỉ hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý, mà còn là yếu tố thúc đẩy cả thị trường kim lại đi lên chính là cuộc khủng hoảng năng lượng. Các nhà máy luyện kim, cũng như các hoạt động khai thác đều đang bị gián đoạn do thiếu hụt nhiên liệu khi mà giá than, dầu thô và khí đốt liên tục tăng.
Cả hai mặt hàng kim loại cơ bản là đồng và quặng sắt cũng được hỗ trợ bởi nguyên nhân trên và tăng trong phiên hôm qua. Đáng chú ý, mức tăng 2.6% đã đưa giá đồng quay trở lại mức 10,000 USD/tấn và đóng cửa ở mức 10,210 USD/tấn, tương đương mức 4.63 USD/pound. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 4 tháng. Giá quặng sắt hồi phục 2% lên 123.6 USD/tấn, do hưởng lợi từ dòng tiền đang được đổ về các thị trường kim loại.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.08% lên 81.31 USD/thùng, giá Brent tăng 0.99% lên 84 USD/thùng.
Thị trường vẫn giữ được đà tăng từ phiên sáng nhờ có các hỗ trợ mạnh từ Báo cáo thị trường tháng 10 của các tổ chức dầu lớn. Trong báo cáo chiều qua, IEA nâng dự báo nhu cầu dầu thô thêm 400,000 thùng/ngày trong quý IV nhờ đà tăng lan rộng từ thị trường khí tự nhiên, đồng quan điểm với EIA và OPEC. Việc 3 tổ chức dầu lớn đồng loạt nâng dự báo tiêu thụ dầu cuối năm đã tạo ra lực mua mạnh. Điều này giúp cho dầu thô giữ được đà tăng bất chấp tồn kho dầu tăng mạnh hơn dự đoán, ở mức 6 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 700,000 thùng của giới phân tích. Đồng quan điểm với các tổ chức năng lượng, ngân hàng UBS Group AG và Citigroup Inc. trong tuần này cũng đã nâng dự báo giá dầu do nhu cầu lớn trong mùa đông, khi các nước chuyển từ tiêu thụ khí sang dầu. Xu hướng này đã diễn gia ở một số nước châu Á và vùng Trung Đông, như Ấn Độ và Pakistan.